Không ai sướng bằng nhân viên Hermès: Công ty thưởng mạnh 17 tháng lương, người thấp nhất cũng bỏ túi 100 triệu đồng
Năm 2022 đánh dấu những con số kỷ lục về doanh thu của nhà mốt đình đám thế giới. Nhờ đó, nhân viên của họ đã được tri ân bằng khoản tiền thưởng hậu hĩnh.
Hermès International, đôi khi còn được gọi là Hermès của Paris hoặc Hermes, là một nhà sản xuất hàng xa xỉ của Pháp. Hãng đã liên tục được xếp hạng là thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất thế giới trong các nghiên cứu định giá và xếp hạng khác nhau được công bố bởi các chuyên gia tư vấn hàng đầu.
Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm thời trang đình đám, mới đây, nhà mốt đến từ Pháp còn được nhắc tới bởi khoản chi mạnh tay dành cho nhân viên của mình.
Chỉ cần là nhân viên chính thức thì sẽ được thưởng
Vào thứ Sáu, ngày 17/2 vừa qua, thương hiệu thời trang đình đám Hermès thông báo rằng 19.700 nhân viên của họ trên toàn thế giới sẽ nhận được khoản tiền thưởng đặc biệt trị giá 4.000 euro (khoảng 100 triệu đồng) vào cuối tháng.
Giám đốc điều hành Hermès Axel Dumas cho biết mục đích của quyết định này là để chia sẻ lợi nhuận và thưởng khuyến khích. Khoảng 12.400 nhân viên Hermès tại Pháp đã nhận được số tiền tương đương 17 tháng lương.
Trước đó nhân viên của Hermès làm việc tại Pháp cũng đã được tăng lương 6%. Bên cạnh đó, Hermès sẽ trả khoảng 1,4 tỷ euro cho các nhà đầu tư thông qua cổ tức. Mức chi trả này tăng 63% so với năm ngoái và là một trong những khoản chi cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Nhận xét về kết quả kinh doanh, ông Axel Dumas cho biết: “Năm 2022, Hermès đã có một năm đặc biệt nhờ hoạt động tốt trên thị trường quốc tế. Năm 2023, Hermès bước vào với sự tự tin, dựa trên sức mạnh của mô hình kinh doanh độc đáo, bền vững và có trách nhiệm”.
2.100 việc làm được tạo ra trong một năm
Quyết định chi tiền mạnh tay của Hermès bắt nguồn từ khoản lợi nhuận khổng lồ vào năm 2022. Theo thông báo mới nhất từ hãng thời trang đình đám, doanh thu năm 2022 của thương hiệu tăng 29%, đạt 11,6 tỷ Euro, với lợi nhuận ròng đạt 3,4 tỷ Euro. Con số này đã đưa vị thế của nhà mốt nước Pháp lên vị trí thứ ba trong ngành hàng xa xỉ, đứng sau Louis Vuitton và Chanel.
Năm 2022, thương hiệu nổi tiếng với những chiếc túi xách được may thủ công đã tạo ra doanh thu 11,6 tỷ euro, tương đương tăng 23% so với năm 2021.
Doanh số bán hàng của Hermès cũng tăng hơn 20% trong các quý liên tiếp, kể cả trong ba tháng cuối năm 2022 (23%) hay khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Sự cố này đã gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh của công ty, trong khi đó nhà mốt đến từ Pháp vẫn tăng doanh thu kỷ lục.
Vào năm 2022, Hermès đã đầu tư 518 triệu euro, bao gồm 214 triệu euro cho các cửa hàng và phân phối và 192 triệu euro cho các đơn vị sản xuất (52 địa điểm ở Pháp). Thương hiệu có 6.000 thợ thủ công cho biết họ đã tạo ra 2.100 việc làm trong một năm, trong đó có 1.400 việc làm ở Pháp. Lực lượng lao động của họ đã tăng gấp đôi trong mười năm qua.
Luật chơi để bảo toàn “ngôi vị"
Có thể tóm tắt triết lý thương hiệu của Hermès bằng câu nói duy nhất của cựu Giám đốc điều hành Jean-Louis Dumas: "Chúng tôi không có chính sách về hình ảnh, chúng tôi có chính sách về sản phẩm".
Hermès luôn sử dụng chiến lược cung cấp một số lượng giới hạn các sản phẩm do mình sản xuất, đồng thời hạn chế phân phối sản phẩm trong chính các cửa hàng của mình. Do đó, khách hàng không thể bước vào một cửa hàng Hermès và đi ra ngoài với một chiếc túi Birkin. Thay vào đó, họ phải đặt hàng và chờ vài tháng trước khi nhận được hàng.
Chính vì lý do này mà năm 2019 Baghunter - trang web chuyên phân phối, trao đổi túi xách hiệu - cho biết mẫu túi Birkin mang lại lợi tức lớn hơn chứng khoán và vàng trong 35 năm qua. Kết quả cho thấy việc “đầu tư” vào túi Hermès Birkins là an toàn hơn tất cả, với số lãi trung bình hàng năm trên 14%. Nếu so sánh thì cổ phiếu và vàng đều thua xa về mức hồi vốn, trung bình chỉ lãi khoảng 11,66% (cổ phiếu) và 1,9% (vàng) tại cùng thời điểm.
Thương hiệu Pháp không xem sự chứng thực của người nổi tiếng như chiến thuật xây dựng thương hiệu và chủ động tránh xa hình thức tiếp thị này. Thực tế, chỉ những ngôi sao hạng A, tầng lớp thượng lưu mới có thể mua sản phẩm độc quyền của hãng. Để tuân thủ theo triết lý thương hiệu này, Hermès thậm chí không có bộ phận tiếp thị.
Để xây dựng triết lý kinh doanh giới hạn người tiếp cận sản phẩm của Hermès và để không làm suy giảm hình ảnh thương hiệu, các sản phẩm của hãng không bao giờ được giảm giá.
Theo Lemonde, Businessoffashion, Luxurylauches