Năm thành công của ngành than-khoáng sản
Năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và quyết liệt.
Sản xuất vượt kế hoạch năm
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 12/1, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn TKV cho biết, doanh thu của Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam ước đạt 170 ngàn tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu than 104,5 ngàn tỷ đồng, đạt 99 % kế hoạch, bằng 101,4 % so với cùng kỳ; doanh thu khoáng sản 24,8 ngàn tỷ đồng, đạt 105,2% kế hoạch; sản xuất, bán điện 12,02 ngàn tỷ đồng, đạt 104,7 % kế hoạch và bằng 114,6 % so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đã sản xuất 39,04 triệu tấn, đạt 101% kế hoạch năm. Nhập khẩu than 9,2 triệu tấn, đạt 100% so với kế hoạch năm, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022. Than tiêu thụ 47,8 triệu tấn, đạt 102,8% kế hoạch năm và bằng 101,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về khoáng sản, sản xuất Alumin quy đổi 1,46 triệu tấn, tăng 12,3% kế hoạch. Tiêu thụ Alumin 1,46 triệu tấn, tăng 12,3% kế hoạch. Đồng tấm sản xuất 28,85 ngàn tấn; tiêu thụ đồng tấm 30,97 ngàn tấn; tiêu thụ phôi thép: 215 nghìn tấn, đạt 97,3% kế hoạch năm
Trong lĩnh vực điện đã sản xuất 9,65 tỷ kWh, đạt 100,6% kế hoạch năm, tăng 17,5% so cùng kỳ. Ngoài ra, còn sản xuất được 72,5 ngàn tấn vật liệu nổ công nghiệp. Cung ứng đạt 105 ngàn tấn; sản xuất và tiêu thụ Nitrat Amon 184,5 ngàn tấn, đạt 97% kế hoạch và bằng 106% so với cùng kỳ.
Nộp ngân sách cao kỷ lục
"TKV nộp ngân sách nhà nước cao kỷ lục với gần 29.000 tỷ đồng, tăng 41% so kế hoạch. Lợi nhuận toàn tập đoàn dự kiến đạt 6,05 nghìn tỷ đồng, tăng 1,05 nghìn tỷ so với kế hoạch", ông Đặng Thanh Hải cho hay.
Sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay tăng 4,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, TKV đã đảm bảo cấp than cho sản xuất điện, đặc biệt là cấp than cho 2 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc với giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán các loại than cùng chủng loại.
Tổng Giám đốc TKV cho biết, năm 2024 sẽ là năm còn nhiều khó khăn. Tập đoàn sẽ bám sát các bộ ngành và các địa phương, nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, khai thác vượt công suất thiết kế, về thăm dò phát triển tài nguyên, thuê đất… thực hiện đề án cơ cấu lại tập đoàn đến năm 2025.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tới đây địa phương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề còn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc giải quyết các vấn đề tồn tại của ngành than như nhà ở công nhân, đảm bảo công tác môi trường, an toàn lao động cũng là những vấn đề cần tập đoàn tập trung giải quyết thời gian tới.
"Sản xuất than cho điện sẽ là áp lực trong năm nay. Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về cảng, hạ tầng để ngành than có thể nhập than cũng như phối trộn cung cấp cho các hộ sử dụng", ông Ký nói.
Đảm bảo cung ứng than cho điện
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu: Bước sang năm 2024, dự báo hình thế giới và trong nước diễn biến khó lường, TKV cần phát huy cao tinh thần đoàn kết động viên cán bộ công nhân viên chức tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2024.
Theo đó, Tập đoàn cần xác định chiến lược phát triển sát theo yêu cầu của Chính phủ, nhất là với ba quy hoạch chiến lược về thăm dò khoáng sản và năng lượng được Chính phủ phê duyệt. Đây là tiền đề để TKV phát triển và TKV cần nghiên cứu kỹ tranh thủ xây dựng phương án và các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả..
Tập đoàn cũng cần phối hợp hiệu quả với các đơn vị có liên quan để đảm bảo cung ứng than cho điện; phối hợp với các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ những vướng mắc để từ đó giải quyết kịp thời những tồn tại trong sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Ngoài ra, TKV cũng cần nghiên cứu để có chiến lược phát triển ngành nhôm; cập nhật, phát huy bảo toàn hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp lại cơ sở nhà đất để có nền tài chính minh bạch và quản lý được tài sản của Tập đoàn. Đồng thời, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận; chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên cũng như đẩy mạnh cơ giới hóa, tin học hóa và chuyển đổi số, nâng cao năng suất cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, năm 2023 trong bối cảnh chung thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, TKV đã giải quyết những tồn tại của ngành than; xử lý nguồn nguyên liệu trong giai đoạn tháng 5 và 6 cho ngành điện; các chỉ tiêu về doanh thu lợi nhuận đóng góp ngân sách nhà nước đạt được con số ấn tượng. Việc TKV tiếp nhận được những tấn than đầu tiên từ thị trường Lào cho thấy, tập đoàn đã tìm được nguồn nguyên liệu mới, hỗ trợ giảm sản lượng trong nước.
Học cách sản xuất nhôm từ Trung Quốc
Dẫn câu chuyện chuyển đổi số mạnh mẽ của Trung Quốc thời gian qua, ông Hoàng Anh cho biết, đã đến thăm một tập đoàn xây dựng của phía bạn và thấy tốc độ số hoá cũng như thay đổi công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Doanh nghiệp không còn xây nhà như trước mà chuyển sang công nghệ lắp ghép giúp những toà nhà 80-90 tầng cũng chỉ mất hơn 1 năm để triển khai. Vận hành các cảng của Trung Quốc cũng tự động hoá tới 70%.
Về các cơ chế đầu tư sản xuất công nghiệp, ông Hoàng Anh cũng cho biết, đã cùng lãnh đạo TKV sang Quảng Tây (Trung Quốc) học hỏi về quy trình sản xuất nhôm. Hiện phía bạn đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất điện ra alumin, ra nhôm thỏi rồi nhôm định hình. Hiện sản lượng của ngành công nghiệp nhôm Trung Quốc chiếm tới 20% thế giới.
"Năm 2010, thu ngân sách của Hải Phòng mới đạt 30.000 tỷ đồng thì chỉ tại thành phố của Quảng Tây này thu ngân sách từ công nghiệp nhôm đạt tới 40.000 tỷ đồng. TKV cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn và tỉnh Đắk Nông giúp Chính phủ quy hoạch Đắk Nông để trở thành thành phố, tỉnh công nghiệp sản xuất nhôm. Theo dữ liệu khảo sát, trữ lượng tại đây có thể khai thác được trong 200 năm. Vì vậy không có lý gì không phát triển công nghiệp được", ông Hoàng Anh nói.