Luật Dầu khí (sửa đổi) cần mang tính cạnh tranh so với khu vực
Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cùng với việc thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để triển khai thông suốt, thuận lợi các hoạt động Dầu khí, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng rất cần mang tính cạnh tranh với các đối tác trong khu vực để tăng cường thu hút đầu tư.
Theo thông lệ dầu khí quốc tế, một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực (Na Uy, Anh, Malaysia, Indonesia…) đều có cấu trúc các văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực dầu khí bao gồm: Luật dầu khí (The Petroleum Act); Quy định đối với Luật dầu khí (Regulations to the Petroleum Act); Hướng dẫn đối với Luật dầu khí và các quy định liên quan (Guidelines to the petroleum Act and associated regulations).
Như với Malaysia, Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) được trao quyền thực hiện cả 3 vai trò: Tham gia hoạch định, ban hành các chính sách về dầu khí; quản lý nhà nước về dầu khí; đầu tư trực tiếp vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Malaysia.
TS. Phan Minh Quốc Bình – Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
TS. Phan Minh Quốc Bình – Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, chúng ta xây dựng luật để triển khai vận hành hoạt động dầu khí nhưng cũng cần mang tính chất cạnh tranh đối với các đối tác khác trong khu vực. Trong đó, cần tham khảo và xem xét một số nội dung như: Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điểm a, Khoản 2, Điều 57). Dự thảo cũng cần xem xét về quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong việc ban hành các văn bản liên quan để thực hiện quyền và trách nhiệm trong quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí, hoạt động dầu khí.
Cụ thể như Malaysia hay Na Uy, họ có giao cho đơn vị quản lý nhà nước về dầu khí có những hướng dẫn, quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí cũng như triển khai các hướng dẫn mang tính chất về kỹ thuật. Theo đó, để phù hợp với thẩm quyền của Petrovietnam được quy định trong Dự thảo Luật và phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế về phân cấp pháp luật dầu khí, trong nội dung Dự thảo cần xem xét bổ sung về quyền của Petrovietnam khi thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao (Điều 53) trong việc ban hành quy định hướng dẫn trong quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí (tương tự Bộ tài liệu hướng dẫn đối với hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Malaysia: Petronas Procedures an Guidances for Upstreams Activities – PPGUA hoặc các tài liệu hướng dẫn về hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Cục Dầu khí Na Uy).
Liên quan đến khai thác tận thu dầu khí, vấn đề này có đề cập trong Dự thảo Luật tuy nhiên chưa được rõ lắm về chính sách ưu đãi như thế nào so với các hợp đồng dầu khí khác. Vì điều này còn phụ thuộc vào khả năng tận thu của từng mỏ. Do đó, các mỏ khác nhau thì cần có cơ chế chính sách khác nhau để làm sao thu hút nhà đầu tư. Như Malaysia có phân loại theo nhóm trữ lượng và có chính sách khác nhau. Cụ thể, đối với các mỏ dầu khí nhằm tận thu tài nguyên, Petronas có ban hành các hình thức hợp đồng dầu khí có nhiều điểm khác biệt so với hợp đồng dầu khí (PSC) thông thường. Cụ thể: Hợp đồng LLA PSC áp dụng với các mỏ có trữ lượng dưới 30 triệu thùng dầu được ban hành năm 2019; Hợp đồng SFA PSC áp dụng với các mỏ có trữ lượng dưới 15 triệu thùng dầu hoặc 200 BSCF khí được ban hành năm 2020. Các hình thức hợp đồng này có cấu trúc tài chính đơn giản theo hướng khuyến khích nhà thầu tiết giảm chi phí (không áp dụng cơ chế thu hồi chi phí và chia dầu khí lãi như PSC thông thường), đối với Hợp đồng SFA PSC ngoài việc chi trả cho thuế tài nguyên nhà thầu không phải trả các loại thuế, phí khác như phí nghiên cứu, phí đào tạo, quỹ giáo dục, phí bổ sung... Theo Viện Dầu khí Việt Nam, chúng ta nên phân tích thêm về điểm này để đưa ra chính sách đặc thù để khuyến khích được nhà đầu tư vào hoạt động này.
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần mang tính cạnh tranh so với khu vực để thu hút đầu tư |
Ngoài ra, đối với các mỏ dầu khí cận biên, bên cạnh các ưu đãi về tài chính theo chính sách ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư, cần xem xét áp dụng các trình tự, thủ tục phê duyệt theo hướng rút gọn (chỉ định thầu, gộp một số bước trong quy trình phê duyệt để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường…).
Từ năm 1976, Malaysia áp dụng PSC trong hoạt động thăm dò, khai thác và luôn có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với các điều kiện đặc thù về tài nguyên dầu khí (áp dụng PSC R/C với các mỏ có chi phí cao/rủi ro cao, RSC đối với các mỏ dầu khí cận biên, các điều khoản PSC riêng đối với khu vực nước sâu, khu vực có nhiệt độ cao/áp suất cao). Đối với các mỏ dầu khí có quy mô nhỏ thì PSC theo hướng đơn giản hóa các thủ tục.
Bên cạnh đó, Viện Dầu khí Việt Nam cũng đề xuất cần xem xét quy định các nội dung chính về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình thẩm định, phê duyệt việc thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua lại quyền lợi tham gia… chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong nội dung Dự thảo thay vì quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết theo Nghị định hướng dẫn để đồng bộ với các quy định liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án dầu khí đang được quy định chi tiết trong Dự thảo (ví dụ phê duyệt hợp đồng dầu khí, ODP, FDP/EDP…).
Mai Phương