Kỳ tích dự án đường dây 500 kV
Để hoàn thành dự án đầu tư gần 1 tỷ USD (tổng mức đầu tư dự án là 22.356 tỷ đồng), khoảng 15.000 cán bộ, công nhân viên trong và ngoài ngành điện đã ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa”, nhiều sáng kiến được đưa ra, lập nên kỳ tích mới của ngành điện: Hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 chỉ trong vòng hơn 7 tháng kể từ khi khởi công.
Sáng kiến tiền tỷ
Cùng với kỳ tích về tiến độ thi công, dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối ghi dấu ấn kỷ lục khi lắp đặt nhiều cột điện siêu cao trên 100m, trong đó cột điện cao nhất là 145m (ngang với tòa nhà 40 tầng), nặng khoảng 426 tấn đi kèm với sáng kiến tiết kiệm tiền tỷ, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa dự án sớm về đích.
Đáng chú ý, cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, do Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà thi công, trở thành một trong những điểm thi công “khó nhằn” nhất của toàn tuyến không chỉ vì vị trí cột 175 là cột cao nhất trong toàn tuyến đường dây (cao 145m), mà do đây là loại cột thép dạng ống lần đầu tiên áp dụng trên hệ thống điện Việt Nam.
Đơn vị thi công phải san ủi, dùng hơn 1.000m3 đất đá được san gạt để làm mặt bằng với phần đế trụ sâu 6,5m. Phần khung thép kết cấu trụ cũng có độ “khủng” không kém: Ống chính của cột từ gốc đến đoạn 60,6m (6 đoạn ống ghép nối) là loại ống phi 711.2mm (sau đó nhỏ dần), trọng lượng các thanh cái rất lớn (khoảng 6 tấn/thanh cái). Do các khung thép rất lớn, phải huy động những cỗ máy cẩu tải loại lớn với trọng lượng khoảng 400 tấn, cần cẩu vươn tới độ cao 135m để thi công.
“Trong quá trình lắp dựng, đội thi công của công ty thấy quá trình trèo lên các đầu ống thanh cái sẽ mất nhiều thời gian. Khi đứng thang dây, thao tác làm việc cũng không được chắc chắn, có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Các kỹ sư và công nhân trên công trường đã nảy ra sáng kiến gia công giá gắn vào các đầu đoạn ống chính để đứng thao tác vòng quanh lắp nối các đoạn ống chính lại với nhau. Với giá hỗ trợ thao tác thi công như vậy, đơn vị thi công lắp dựng vừa đảm bảo an toàn lao động, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công giảm xuống còn khoảng 40-45 ngày”, ông Ngô Đình Cẩn - Phó Phòng kinh doanh Công ty CP Xây lắp và dịch vụ Sông Đà cho biết.
“Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và các đơn vị thi công xây lắp, phải khẳng định rằng dự án không thể đạt được những thành công về tiến độ như hôm nay nếu không có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư cho đến địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, mà đặc biệt trong đó là T.Ư Đoàn và các Tỉnh Đoàn. Đây là những con số thực sự ấn tượng mà nếu như không phải là các cấp bộ đoàn, các đoàn viên, thanh niên, những người nắm sát địa bàn, quan hệ thân thiết với bà con nhân dân thì thực sự rất khó để có thể vận động triển khai”
Ông Phạm Hồng Phương , Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Việc rút ngắn thời gian thi công 10 ngày tại vị trí cột 175, chỉ riêng tiền thuê cẩu lắp dựng, chi phí nhân công lắp dựng, công ty đã tiết kiệm được tổng cộng 510 triệu đồng.
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đã cho triển khai áp dụng đồng loạt kinh nghiệm lắp đặt cột 175 trên toàn công trường xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với giá trị tiết kiệm ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Công trình của những kỳ tích
Dự án đi qua 9 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên), 43 huyện, 211 xã; thi công 513 vị trí khoảng néo hành lang tuyến, dựng 1.177 cột với tổng trọng lượng gần 139.000 tấn thép. Để “thần tốc” hoàn thành tuyến đường dây, các đơn vị truyền tải điện đã áp dụng nhiều sáng kiến, rút ngắn thời gian thi công đường dây. Nổi bật nhất trong đó là dùng thiết bị bay không người lái ( UAV ) để rải dây cáp mồi thi công đường dây 500kV mạch 3.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 ( PTC2 ) cho biết, để hỗ trợ nhà thầu Sông Đà 11 đẩy nhanh tiến độ thi công, công ty đã có dùng UAV do công ty lắp ráp, chế tạo, được lắp đặt bộ tự động thả dây mồi để kéo dây tại 9 khoảng đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, rút ngắn thời gian thi công siêu kỷ lục. “Trước đây, kéo rải dây cáp mồi là dùng sức người, huy động nhóm công nhân từ 10 - 20 người băng rừng, lội suối để rải dây cáp từ cột này sang cột kia mất rất nhiều công sức, thời gian và nguy hiểm. Dùng UAV để rải dây mồi, đặc biệt tại những vị trí cột nằm trên địa hình đồi núi, phức tạp, thời gian bay rải cáp mồi mất chỉ hơn 2 phút”, ông Phong cho biết.
Tiếp nối sáng kiến của PTC2, nhiều đơn vị khác của EVNNPT đã ứng dụng thành công công nghệ dùng UAV để rải cáp mồi kéo dây, như tại các khoảng néo 317-319 trên đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu….
Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cho biết, công trình có khối lượng lớn nhưng đã được triển khai làm thần tốc. Các cột cao hơn, nặng hơn nhiều so với các dự án khác, và đây là đường dây mạch kép nên tổng khối lượng thi công tương đương hơn 1.000km đường dây. Như dự án Quảng Trạch - Pleiku dài 700km trước đây phải làm mất 4 năm. Trong khi đó, với dự án này, ngày 25/1, khi Thủ tướng họp tại Thanh Hóa với 9 tỉnh về dự án 500 kV mạch 3, vẫn còn chưa giải phóng mặt bằng xong.
“Đây là công trình của toàn dân chứ không phải chỉ riêng ngành Điện. Công trình có khối lượng lớn nhưng được làm thần tốc, các cột cao hơn, nặng hơn nhiều so với các dự án trước đây. Chính ngành điện cũng chưa bao giờ nghĩ có thể làm được công trình thần tốc thế”, ông An nói.
Những con số nổi bật về dự án đường dây 500kV mạch 3
* Ngày 29/8/2024, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 với tổng chiều dài 519 km từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)
* Cột điện cao nhất: 145m, nặng khoảng 426 tấn
* Khối lượng đào đất là hơn 2,5 triệu m3, đổ hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng, lắp dựng cột thép là 139.000 tấn; kéo 26 sợi dây dẫn, dây chống sét, cáp quang tổng gần 14.000 km.
* Thời gian thi công thần tốc: Hơn 7 tháng (1 dự án thành phần khởi công sớm nhất là tháng 10/2023; 3 dự án thành phần khởi công tháng 1/2024)
* Cao điểm lực lượng thi công trên công trường: Khoảng 15.000 người.
* Khi đi vào hoạt động, dự án góp phần nâng cao khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc lên khoảng 5.000MW (hiện nay khoảng 2.200MW).