Giới kinh doanh đặt cược giá dầu có thể vượt 200 USD/thùng trong tháng này
Các nhà giao dịch đồng loạt tin rằng giá dầu có thể sẽ tăng nhiều hơn nữa, sau khi đã đạt mức cao nhất kể từ 2008, thậm chí một số người đặt cược rằng giá sẽ tăng vượt 200 USD/thùng trước khi kết thúc tháng 3.
Giá dầu ngày 7/3 đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ 2008 do lo ngại Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu Nga và tương lai dầu thô Iran sớm trở lại thị trường trở nên xa vời.
JPMorgan Chase & Co tuần trước đưa ra dự báo giá dầu thô Brent có thể kết thúc năm ở mức 185 USD/thùng nếu nguồn cung của Nga tiếp tục bị gián đoạn, trong khi Australia & New Zealand Banking Group Ltd. khẳng định nguồn cung dầu qua đường biển và đường ống dẫn dầu bị ảnh hưởng tương đương khoảng 5 triệu thùng/ngày do những biện pháp trừng phạt mới.
Giám đốc điều hành của JPMorgan, Christyan Malek, cho biết: "Cuối cùng, những gì chúng ta đang thấy là sự định giá lại của dầu". Ngân hàng này - 2 năm trước đã dự đoán về một siêu chu kỳ mới cho mặt hàng này - cho biết giá dầu thô có thể đạt 150 đô la vào năm 2023, nhưng để ngỏ khả năng "Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể thúc đẩy một ‘cú nhảy vọt lớn’".
Đến lúc này, các nhà phân tích của Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG) bắt đầu tin rằng giá dầu có thể tăng lên 180 USD và gây ra suy thoái toàn cầu. Các nhà phân tích của Bank of America cũng cho biết nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể xảy ra sự thiếu hụt ít nhất 5 triệu thùng mỗi ngày, đẩy giá lên tới 200 USD.
Rob West, người đứng đầu công ty nghiên cứu Thunder Said Energy, cũng cho rằng sự gián đoạn nguồn cung từ Nga có thể khiến giá dầu vượt mức 200 USD/thùng.
Ngân hàng và dầu mỏ đang là những lĩnh vực có biến động mạnh nhất trên thị trường
Tại sao giá dầu có thể tăng cao nữa
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thành viên này của nhóm OPEC+ đã xuất khẩu 7,8 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu thô, khí ngưng tụ và dầu mỏ trong tháng 12 năm ngoái, cung cấp các nhiên liệu chính như diesel, dầu nhiên liệu, dầu khí và dầu nguyên liệu hóa thạch - được gọi là naphtha – cho các khách hàng ở khắp các Châu Âu, Mỹ và Á.Việc mất đi nguồn cung của Nga sẽ khó có thể thay thế, ngay cả khi ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ tăng sản lượng.
Còn nhớ, năm 2008, khi Nga thực hiện chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia, giá dầu cũng tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại tính đến thời điểm đó, là gần 150 USD/thùng. Lần này giá dầu nhảy múa cũng liên quan đến nhân tố Nga, với giá dầu thô Brent ngày 7/3 có thời điểm đạt tới 139,13 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD, mức chưa từng có kể từ tháng 7/2008, đưa mức tăng từ đầu năm 2022 đến nay – mới hơn 2 tháng – lên mức hơn 60%.
Ở năm 2008, các nước phương Tây đã đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng. Lịch sử đang lặp lại khi phương Tây đề nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng từ trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, nhưng tại cuộc họp ngày 2/3, OPEC+ do Riyadh và Moskva dẫn đầu đã từ chối lời kêu gọi này với lý do "những biến động hiện tại không phải do thay đổi thị trường mà là do những diễn biến địa chính trị".
Khát khao không ngừng của Trung Quốc về năng lượng đã củng cố xu hướng giá dầu tăng vọt 14 năm về trước. Lần này, ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng đang tham gia vào làn sóng tăng mạnh nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sau đại dịch Covid-19.
Có vẻ như đại dịch đang đẩy nhanh thời điểm "đỉnh" nhu cầu dầu mỏ. Tiêu thụ xăng dầu của Mỹ trong những tuần gần đây đã đạt mức cao mới. IEA cho biết tiêu thụ dầu của toàn thế giới cũng sẽ theo xu hướng tương tự trong năm nay.
Trong khi đó, nguồn cung không theo kịp - ảnh hưởng của việc đầu tư vào ngành khai thác và sản xuất dầu suy giảm trong những năm gần đây, nay cộng thêm với việc cắt giảm sâu chi tiêu vốn trong lĩnh vực đá phiến của Mỹ sau vụ "tai nạn" giá dầu giảm xuống dưới 0 do đại dịch gây ra. Một số nhà sản xuất thuộc OPEC cũng đang phải vật lộn chỉ để đạt hạn ngạch sản lượng của họ.
Cách đây vài năm, thị trường tin rằng cuộc cách mạng đá phiến của Mỹ đã mang đến một kỷ nguyên dồi dào bất tận dầu mỏ, nhưng giờ đây lại lo lắng về sự khan hiếm.
Khả năng xuất khẩu dầu của Nga - đáp ứng khoảng 5% nhu cầu dầu thô toàn cầu và 10% thị trường xuất khẩu các sản phẩm tinh chế - có thể bị trừng phạt đang làm sâu sắc thêm những lo ngại đó.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật (6/3) cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu đang nghiên cứu việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Nhà Trắng đang phối hợp với các ủy ban của Quốc hội để tiến tới việc đưa ra lệnh cấm của Mỹ, cho dù biện pháp trừng phạt này có thể không có sự tham gia của các nước đồng minh châu Âu, ít nhất ở giai đoạn đầu.
Ngay cả khi không có lệnh cấm vận, các lệnh trừng phạt tài chính mới và việc các công ty phương Tây rời khỏi thị trường Nga cũng có thể gây thiệt hại lâu dài cho năng lực sản xuất dầu của Nga.
Nhìn về lịch sử, giá dầu của Mỹ đã tăng gấp gần 3 lần chỉ trong vòng 3 tháng trong giai đoạn cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973. Khi đó, các nước sản xuất dầu ở Trung Đông cắt cung cấp dầu cho Mỹ và các phương Tây khác nhằm trả đũa việc phương Tây hậu thuẫn Israel trong chiến tranh Arab-Israel vào năm đó.
Sau đó, giá dầu lại một lần nữa tăng gấp đôi một lần nữa trong vòng 2 tháng sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1978-1979, khi sản lượng dầu thô của nước này sụp đổ. Các nhà cung cấp khác đã chung tay đẩy tăng sản lượng, giúp giảm thiểu sự thiếu hụt dầu trên toàn cầu. Năm 1979, nỗi sợ hãi về sự khan hiếm (chỉ là nỗi lo sợ chứ thị trường chưa rơi vào tình trạng khan hiếm) đã gây ra sự gia tăng đột biến về giá dầu.
Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết xung đột vũ trang Nga-Ukraine lần này có thể dẫn tới sự gián đoạn trên thị trường năng lượng ở cấp độ tương tự như những cuộc khủng hoảng dầu lửa lớn vào thập niên 1970. "Đây sẽ là một sự gián đoạn thực sự lớn về mặt hậu cần, và thị trường sẽ ra sức mua dầu", ông Yergin nói. "Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung, một cuộc khủng hoảng hậu cầu, một khủng khủng hoảng thanh toán, và quy mô của khủng hoảng sẽ giống như hồi những năm 1970. Cuộc khủng hoảng này sẽ là lớn nhất từ vụ thế giới Arab cấm vận dầu lửa và cách mạng Iran, hai cú sốc dầu lửa lớn".
Giá dầu vẫn có cơ hội giảm
Pierre Lacaze, người sáng lập công ty môi giới LCM Commodities cho biết vẫn có lý do để giá dầu giảm, thậm chí giảm nhanh.
Kết quả phân tích các hợp đồng giao dịch trên các sàn giao dịch dầu mỏ cho thấy thị trường đang phản ứng đồng thời với các yếu tố địa chính trị và các yếu tố cơ bản. Và chính những yếu tố đó có thể ngăn giá dầu tăng.
Chi phí mua quyền chọn hợp đồng dầu tăng vọt do giá dầu thô tăng mạnh.
Hậu quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Một thỏa thuận ngoại giao với Iran sẽ cho phép nguồn cung dầu từ nước này ra thị trường quốc tế gia tăng.
Các nhà phân tích của Citi, một trong số ít những ngân hàng Phố Wall dự báo giá dầu giảm, cho rằng sản lượng trên toàn cầu tăng, bao gồm cả từ Iran, sẽ khiến giá giảm trong năm nay "khi trọng tâm của thị trường chuyển từ vấn đề rủi ro địa chính trị sang tình trạng cung vượt cầu khi nhu cầu dầu đạt đỉnh".
Amy Myers Jaffe, giáo sư tại Trường Tufts ’Fletcher, cho biết Mỹ và các quốc gia khác cũng không chần chừ xuất kho dự trữ dầu chiến lược nhằm nỗ lực chế ngự giá.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tổn thất liên tục về nguồn cung dầu của Nga sẽ khó có thể khắc phục được. Ngay cả lĩnh vực dầu đá phiến dồi dào của Mỹ cũng sẽ cần nhiều năm để trở lại "sung mãn" như những năm trước.
Tham khảo: Ft, Bloomberg
https://cafef.vn/gioi-kinh-doanh-dat-cuoc-gia-dau-co-the-vuot-200-usd-thung-trong-thang-nay-2022030723493264.chn