Chuyên gia nêu giải pháp thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam
Trao đổi với PetroTimes, chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, cố vấn khí hậu tại Coral Future cho rằng, để thị trường carbon tại Việt Nam phát triển cần có các giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa xây dựng khung pháp lý, tăng cường năng lực và thu hút sự tham gia của các bên liên quan.
Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm |
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon (carbon market) được kỳ vọng sẽ là một công cụ quan trọng giúp đạt được các cam kết về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes có cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thị Tâm (Tâm Nguyễn), người có nhiều năm nghiên cứu và tư vấn về các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
PV: Thưa bà, thị trường carbon được coi là công cụ quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự chuyển dịch xanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này vẫn còn khá mới mẻ. Bà có thể chia sẻ về thực trạng của thị trường carbon tại Việt Nam hiện nay?
Chuyên gia Tâm Nguyễn: Thị trường carbon bao gồm thị trường carbon bắt buộc (mandatory market) và thị trường carbon tự nguyện (voluntary market). Thị trường carbon bắt buộc là thị trường trong đó việc mua bán tín chỉ carbon dựa trên cam kết của các quốc gia, vùng lãnh thổ về Biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Khung Liên Hợp Quốc về Chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường carbon tự nguyện là thị trường nằm ngoài thị trường bắt buộc, trong đó cho phép các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp và cá nhân mua bán tín chỉ carbon tuân thủ theo các tiêu chuẩn được thị trường và quốc tế thừa nhận trên cơ sở tự nguyện để thực hiện các cam kết giảm phát thải một cách tự nguyện.
Đối với thị trường carbon tự nguyện, tính đến tháng 11-2022, Việt Nam có khoảng 276 dự án giảm phát thải được đăng ký thành công theo tiêu chuẩn CDM, phát hành hơn 29 triệu tấn CO2e; 32 dự án được đăng ký thành công theo tiêu chuẩn Gold Standard, phát hành gần 6 triệu tấn CO2e; 27 dự án được đăng ký thành công theo tiêu chuẩn VCS và phát hành hơn 1 triệu tấn CO2e. Con số này vẫn tăng lên theo hàng năm do số lượng các dự án được đăng ký thành công theo tiêu chuẩn Gold Standard và VCS.
Đối với thị trường carbon bắt buộc trong nước, Việt Nam đã có những bước đầu tiên quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý cho thị trường carbon. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (Điều 139) đã đặt nền móng cho việc phát triển thị trường carbon trong nước. Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, xác định rõ lộ trình triển khai thị trường carbon qua 3 giai đoạn: chuẩn bị, thí điểm và vận hành, giai đoạn từ năm 2021 đến sau 2028. Mới đây, Quyết định 13/2024/QĐ-TTg được ban hành ngày 15-8-2024 bổ sung cho Quyết định 01/2022 cũng đã bổ sung danh mục các lĩnh vực, cơ sở doanh nghiệp cần phải báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Nhiều chương trình thí điểm đã được triển khai để chuẩn bị cho thị trường carbon tương lai, trong đó có Chương trình REDD+ hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ rừng. Thỏa thuận ERPA giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) về giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 được ký kết vào năm 2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm từ dự án REDD+ cho WB với đơn giá 5 USD/tấn CO2, được coi là bước đầu tiên quan trọng cho việc hình thành thị trường carbon. Ngoài ra, các dự án thí điểm khác như dự án “Chuyển nhượng cho LEAF/Emergent carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026”; dự án “Giảm phát thải trong lâm nghiệp vùng trung du, miền núi phía Bắc của SK Forest”; dự án “REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum” vẫn chưa thể thực hiện do chưa có cơ chế rõ ràng về pháp lý và chính sách.
Các công cụ chính trong thị trường carbon gồm hệ thống giao dịch hạn ngạch, thuế carbon và cơ chế tín chỉ bù trừ carbon. Các cuốc gia thực hiện cam kết và xây dựng lộ trình giảm phát thải trong Cam kết Quốc gia tự quyết định (NDC). Các tín chỉ carbon toàn cầu chủ yếu được tạo ra từ các dự án thuộc 8 lĩnh vực chính, bao gồm lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, giao thông và nông nghiệp.
Nhìn chung, thị trường carbon tại Việt Nam vẫn còn khá mới, tuy đã có những bước đi đầu tiên cho việc định hướng nhưng vẫn cần phải có những chính sách và lộ trình rõ ràng cho thị trường tiềm năng này.
PV: Vậy theo bà, những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt khi phát triển thị trường carbon là gì?
Chuyên gia Tâm Nguyễn: Theo tôi, thị trường carbon tại Việt Nam, dù có tiềm năng lớn, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là liên quan đến các yếu tố pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, nhận thức doanh nghiệp và nguồn lực tài chính.
Thứ nhất là hạn chế về khung pháp lý và chính sách. Mặc dù Việt Nam đã triển khai một số chính sách liên quan đến thị trường carbon, nhưng cơ chế vận hành còn thiếu hoàn thiện. Quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP hiện đang trong quá trình sửa đổi và chưa có hướng dẫn chi tiết về cách thức phân bổ hạn ngạch, phương thức hoạt động và lộ trình của các sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon. Việc tính toán và phân bổ hạn ngạch cũng chưa có con số cụ thể. Cùng với đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ ngành liên quan như Tài chính, Công Thương, Xây dựng và Giao thông, là rất cần thiết để tránh gây khó khăn và trì hoãn trong việc triển khai hiệu quả.
Thứ hai là thiếu hạ tầng kỹ thuật và năng lượng chuyên môn. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu áp dụng hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) theo tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các dự án tín chỉ carbon tự nguyện. Tuy nhiên, hệ thống MRV nội địa chưa được thiết lập đầy đủ, thiếu các công nghệ và nhân lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, số lượng chuyên gia đủ năng lực vận hành thị trường carbon còn rất hạn chế, đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể trong việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân sự liên quan.
Thứ ba là về nhận thức và tham gia của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và lợi ích của thị trường carbon, dù rằng nhóm này đóng góp một phần đáng kể trong lượng khí nhà kính phát thải (khoảng 30%). Bên cạnh đó, thiếu động lực tham gia do chi phí đầu tư ban đầu cao và thiếu các hỗ trợ chính sách, pháp lý rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai các dự án giảm phát thải.
Thứ tư, thiếu nguồn lực tài chính và hỗ trợ quốc tế. Để đạt mục tiêu giảm phát thải 43,5% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 so với năm cơ sở 2014 (NDC), Việt Nam cần sự hỗ trợ tài chính lớn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực để Việt Nam có thể có những bài học kinh nghiệm từ các thị trường đã hoạt động ổn định.
Thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam cần phải có giải pháp đồng bộ/Ảnh minh họa |
PV: Từ những thách thức đó, để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam phát triển, cần phải có những giải pháp gì, thưa bà?
Chuyên gia Tâm Nguyễn: Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa xây dựng khung pháp lý, tăng cường năng lực, và thu hút sự tham gia của các bên liên quan. Cụ thể, các biện pháp cần thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về đo lường, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV), đồng thời xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ carbon để bảo đảm tính minh bạch và tin cậy, nâng cao chất lượng của các dự án giảm phát thải để có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế; Thành lập các sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon chính thức, kết nối thị trường trong nước với quốc tế và thiết lập lộ trình chỉ thị, hướng dẫn cụ thể cho các lĩnh vực, cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân tham gia;
Có cơ chế khuyến khích, áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế và hỗ trợ tài chính, thiết lập các công cụ hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp tham gia các dự án giảm phát thải và giao dịch tín chỉ carbon; Tổ chức các chương trình đào tạo về cơ chế thị trường carbon và cách tham gia giao dịch, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý; Thực hiện các chiến dịch truyền thông và hội thảo để nâng cao nhận thức về thị trường carbon, các cơ hội mà thị trường carbon mang lại cho xã hội và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội;
Cung cấp các công cụ, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc triển khai các dự án giảm phát thải; Phát triển các quỹ đầu tư xanh và cơ chế tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các dự án giảm phát thải khí nhà kính; Tham gia các sáng kiến toàn cầu và các thị trường carbon khu vực, học hỏi kinh nghiệm và mở rộng cơ hội giao dịch quốc tế; Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải, nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; Xác định rõ lộ trình và các mốc thời gian cụ thể để vận hành thị trường carbon tại Việt Nam vào năm 2027; Đồng bộ hóa thị trường carbon với các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng lợi ích kèm theo.
Việc thực hiện các giải pháp trên sẽ không chỉ giúp phát triển thị trường carbon mà còn góp phần quan trọng vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
PV: Là chuyên gia đầu ngành, từng làm việc cho nhiều công ty nước ngoài liên quan đến thị trường này. Bà có chia sẻ gì về thị trường carbon ở các nước và theo bà, tương lai lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ như thế nào?
Chuyên gia Tâm Nguyễn: Thị trường carbon ở các nước trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã triển khai các hệ thống giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc, đạt tổng giá trị tích lũy 104 tỉ USD vào năm 2023. Liên minh châu Âu (EU ETS) và Trung Quốc là những hình mẫu tiêu biểu, trong khi Hoa Kỳ có các thị trường khu vực như California. Các yếu tố quan trọng để thành công của thị trường carbon bao gồm khung pháp lý vững mạnh, minh bạch trong đo lường và hỗ trợ từ chính phủ.
Thị trường carbon tự nguyện cũng phát triển mạnh mẽ, với hơn 3.700 dự án trên 100 quốc gia, đạt tổng giá trị tích lũy 10,8 tỉ USD trong giai đoạn 2005-2023. Đây là nền tảng quan trọng để các quốc gia đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững.
Về tương lai, Việt Nam đã tham gia thị trường carbon từ những năm 2005 thông qua cơ chế phát triển sạch CDM, với hơn 400 dự án đăng ký trong khuôn khổ các tiêu chuẩn độc lập quốc tế. Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và thị trường carbon sẽ là công cụ trung tâm trong chiến lược giảm phát thải. Các dự án năng lượng tái tạo; giảm phát thải từ các hoạt động phá rừng và làm suy thoái rừng (REDD+); các dự án cộng đồng (nước sạch và bếp hiệu suất cao); chuyển đổi nhiên liệu đầu vào… có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu tín chỉ carbon ra quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam còn đối mặt với thách thức trong việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức cũng như năng lực của doanh nghiệp. Trong giai đoạn ngắn hạn 2025-2027 sẽ là giai đoạn thử nghiệm cho thị trường carbon tại Việt Nam, tập trung vào các ngành phát thải lớn như năng lượng và công nghiệp.
Dự báo đến giai đoạn 2035, thị trường carbon tại Việt Nam sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon.
Xin cảm ơn bà!
Mạnh Tưởng (thực hiện)