Chưa kịp mừng vì bán dầu trên mức giá trần, Nga bất ngờ ngậm 'trái đắng' từ lệnh trừng phạt của châu Âu
Lệnh cấm vận dầu thô có vẻ đang gây ra tác động nghiêm trọng đến dầu thô của Nga chứ không hề "vô nghĩa" như nhiều người đã nghĩ.
Ảnh minh họa
Lệnh cấm đối với nhập khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 12 vừa qua của Liên minh châu Âu cuối cùng đã tác động đến doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Từng mừng rỡ vì bán giá dầu trên mức giá trần nhưng Nga dường như đã lầm.
Giá dầu thô sụt giảm - điều không ai ngờ đến
Mỹ đã lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ khiến giá tăng vọt. Trong đó mối lo ngại đặc biệt là lệnh cấm cung cấp tàu và các dịch vụ như bảo hiểm và tài chính cho hàng hóa của Nga đến bất kì đâu trên thế giới. Để giảm thiểu tác động, Mỹ đã đề xuất áp giá trần đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga. Hàng hóa được mua ở mức dưới giá trần - 60 USD/thùng sẽ được miễn lệnh cấm với vận chuyển và dịch vụ.
Nhưng những lo lắng của họ dường như thừa thãi cho đến thời điểm hiện tại. Moscow đã mất ngay 1 thị trường nhập khẩu lên đến 1,5 triệu thùng mỗi ngày và doanh số được dự báo sẽ còn giảm thêm 500.000 thùng mỗi ngày vào cuối năm nay khi Ba Lan và Đức tuân thủ theo các cam kết ngừng nhập khẩu.
Và thêm một tin không vui đối với Nga. Thay vì tăng vọt, giá dầu đã sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến ngày 10/12 - ngày thứ 5 khi lệnh cấm có hiệu lực, giá dầu được giao dịch ở mức 77 USD/thùng và có thời điểm giao dịch dưới mức 76 USD/thùng. Đây là con số sụt giảm hơn 14% so với mức cao nhất vào ngày 5/12 khi lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực.
Giá dầu giảm dần khi cấm vận có hiệu lực thay vì tăng như dự đoán. Đồ họa: Bloomberg
Vì vậy giá mà Nga đang kiếm được cho các lô hàng dầu thô của họ đã giảm nghiêm trọng. Các thùng dầu Urals đã được đổi nguồn gốc giao dịch ở mức 40 USD/thùng tại các cảng ở vùng biển Baltic - nơi giao dịch dầu thô nhộn nhịp nhất trên thế giới. Đó là mức giá hòa vốn cho chi phí sản xuất và thấp hơn nhiều so với mức trần giá 60 USD/thùng được đưa ra cùng với lệnh cấm vận của EU.
Tương lai ngành dầu mỏ của Nga
Tầm quan trọng của các cảng quanh khu vực biển Baltic sau khi Nga bị mất đi thị trường quan trọng là châu Âu đã cho thấy nước này không có khả năng chuyển hướng dầu mỏ. Đường ống duy nhất đến cảng xuất khẩu bờ biển Thái Bình Dương của Trung Quốc và Nga tại Kozmino đã đầy và cách duy nhất để cung cấp nguồn cung cho các thị trường còn lại cuối cùng của Nga bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là thông qua các chuyến đi dài quanh châu Âu và qua Kênh đào Suez.
Khác xa với việc tạo ra sự thiếu hụt dầu thô, lệnh trừng phạt của EU đã tạo ra dư thừa cục bộ tại các thị trường.
Một khối lượng dầu khổng lồ của Nga đang cạnh tranh với dòng chảy từ các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông và người bán phải giảm giá mạnh để bù đắp chi phí cao cho những chuyến đi dài hơn bình thường để vận chuyển hàng hóa từ Baltic.
Trong khi đó, châu Âu không tranh giành dầu thô. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vốn đã gây ra lạm phát bao gồm cả năng lượng và lương thực. Tuy nhiên giờ đây thế giới có thể dễ dàng xử lí việc mất những thùng dầu từ Nga. Trung Quốc đang dần nới lỏng các lệnh hạn chế dịch Covid-19, bởi vậy thị trường sẽ bị thắt chặt thêm một lần nữa.
Ngoài ra còn có một lệnh cấm nghiêm trọng hơn của EU sắp tới đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga như dầu diesel. Điều đó có thể hỗ trợ các thị trường dầu vốn đã thiếu nhiên liệu vận chuyển. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đe dọa cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với mức giá trần đối với dầu thô. Ông Putin có thể nhìn thấy ngành công nghiệp dầu mỏ nghiêm trọng như thế nào nếu việc bán dầu không mang lại lợi nhuận.
Thuế xuất khẩu dầu thô dự báo giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Đồ họa: Bloomberg
Điện Kremlin sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn đối với doanh thu từ thuế xuất khẩu dầu thô vào tháng tới. Dựa trên giá dầu thô kể từ giữa tháng trước, thuế mỗi thùng của Nga có thể giảm trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện tại, thế giới đã có thể đối phó tốt với việc chuyển hướng dầu thô của Nga từ châu Âu sang châu Á và cái giá phải trả đúng như kỳ vọng ở các thủ đô phương Tây - đang đổ lên đầu Điện Kremlin.
Theo Bloomberg, Reuters