Bản tin năng lượng số 47/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 241/NQ-CP ngày 19/12/2024 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng
Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 937 bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết.
Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, tập trung, dân chủ. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đảm bảo phù hợp với năng lực để Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 937. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 937.
Ảnh minh họa
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Hóa chất.
Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước. Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên...
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi phân phối LNG toàn cầu
Mới đây, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam.
Với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, đại diện cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, diễn đàn nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, đề xuất các mô hình hợp tác và khai phá những cơ hội đầu tư nhằm phát triển bền vững ngành LNG tại Việt Nam.
Quang cảnh diễn đàn
Tại diễn đàn, những vấn đề như hiện trạng thị trường LNG, xu hướng phát triển toàn cầu và khả năng Việt Nam tham gia chuỗi giá trị LNG quốc tế đã được thảo luận kỹ lưỡng với những tham luận: tổng quan thị trường LNG thế giới và khả năng tham gia thị trường của Việt Nam; vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng LNG: đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển LNG tại Việt Nam; thực trạng ngành khí và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam; hiện trạng và xu hướng trung hạn của thị trường LNG toàn cầu và Đông Nam Á; những thách thức trong phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030.
Các chuyên gia quốc tế và đại diện doanh nghiệp đã cung cấp những nhìn nhận sâu rộng về xu hướng tương lai, đề xuất những giải pháp tài chính linh hoạt và các cơ chế hợp tác công - tư nhằm thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Bắc Giang: Khánh thành nhà máy chuyển hóa rác thải thành năng lượng
Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng vừa chính thức được khánh thành tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
GS. Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch Công ty Live Again Group, chủ nhiệm đề tài cho biết, công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải được ông và các cộng sự phát triển sau gần 30 năm nghiên cứu. Công nghệ này xử lý rác thải trong buồng gia nhiệt nhiều phần, tạo ra khí tổng hợp, than sinh học. Điểm đặc biệt của công nghệ là không phát khí thải, không phát sinh tro xỉ thải, không xả nước thải ra môi trường. Quy trình xử lý rác thải của GS. Hòa và cộng sự đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ từ năm 2020.
Khánh thành nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
Sau 7 tháng xây dựng tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1. Khi nhà máy đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý 150 tấn rác thải/ngày cho đầu vào và 70 tấn cho đầu ra. Quy trình hoạt động rác thải sau quá trình tuyển lựa sẽ được xử lý mùi và làm khô trước khi đưa vào hệ thống lò nhiệt biến tính.
Qua phương pháp nhiệt biến tính sẽ tạo ra nhiên liệu khí tổng hợp, dung môi Syngas chuyển hóa thành khí DME (Dymethyl-Ether) và methanol. Đây là các nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường. Ngoài ra còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo như điện, than và gạch chịu lực từ nhiên liệu thải.
Theo GS. Huỳnh Văn Hòa, với công nghệ này không cần phân loại rác tại nguồn và có thể tiếp nhận được hầu hết các loại chất thải như: rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế, chất thải chăn nuôi, chất thải con người, biomass thành năng lượng sạch và than sinh học.
Nhà máy đi vào hoạt động là giải pháp bền vững, giảm gánh nặng môi trường, tạo ra giá trị kinh tế. Hiện nhà máy xử lý 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Yên Dũng.
Ngân Hà