Bản tin năng lượng số 42/2024
Mới đây, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Phổ biến nghị định về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Nghị định 135/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/10/2024. Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 135/2024/NĐ-CP là chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với 9 chính sách khuyến khích.
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. (Ảnh minh họa)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ra đời đã đáp ứng được sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp ngành điện trong và ngoài nước; từng bước đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của người dân, cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Việc sớm đưa Nghị định số 135/2024/NĐ-CP vào cuộc sống sẽ giúp Việt Nam huy động được thêm các nguồn lực xã hội, các nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long mong muốn, thông qua hội nghị, Nghị định 135/2024/NĐ-CP sẽ đi vào cuộc sống; để người dân, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý có liên quan nắm rõ về nội dung, những điểm mấu chốt của Nghị định; từ đó chủ động xây dựng các kế hoạch, đầu tư, phát triển về điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Tại hội nghị, đại biểu tham dự được thông tin rõ hơn về các nội dung của Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Đại biểu ở các điểm cầu và ban biên tập, tổ soạn thảo cũng trao đổi, thảo luận, giải đáp những thắc mắc xung quanh giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia; vấn đề điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối/có đấu nối với hệ thống điện quốc gia…
Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 258,7 tỷ kWh trong 10 tháng năm 2024
Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 10 đạt 25,96 tỷ kWh, tăng 7% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, sản lượng toàn hệ thống đạt 258,7 tỷ kWh, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2023. Sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 10 tháng năm 2024 như sau:
Thủy điện: 76,31 tỷ kWh, chiếm 29,5%.
Nhiệt điện than: đạt 125,99 tỷ kWh, chiếm 48,7%.
Tuabin khí: 18,46 tỷ kWh, chiếm 7,1%.
Năng lượng tái tạo: 32,88 tỷ kWh, chiếm 12,7% (trong đó điện mặt trời đạt 22,44 tỷ kWh, điện gió đạt 9,56 tỷ kWh).
Điện nhập khẩu: 2,03 tỷ kWh, chiếm 0,8%...
Sản lượng điện truyền tải tháng 10/2024 ước đạt 20,44 tỷ kWh (tăng 7,5% so với tháng 10/2023). Lũy kế 10 tháng năm 2024 ước đạt 206,86 tỷ kWh, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, sản lượng toàn hệ thống đạt 258,7 tỷ kWh, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2023
Để đảm bảo cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng các tháng cuối năm 2024 cũng như năm 2025, thời gian tới, các tổng công ty phát điện và đơn vị phát điện rà soát tổng thể thiết bị, đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống; thực hiện nghiêm công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra, rà soát quy trình, quy định trong công tác vận hành và sửa chữa bảo dưỡng nhằm đảm bảo độ khả dụng và tin cậy của các tổ máy.
Các nhà máy thủy điện vận hành các hồ chứa an toàn, khai thác tối ưu nguồn nước và theo dõi, dự báo sát tình hình thủy văn để có phương án tích nước sớm trong giai đoạn cuối mùa lũ để đảm bảo mục tiêu tích nước vào cuối năm 2024, phục vụ nhu cầu phát điện, đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2025.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vận hành an toàn, tin cậy hệ thống lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng, rà soát triển khai có hiệu quả các giải pháp giảm thiểu sự cố lưới điện truyền tải.
Các tổng công ty điện lực/công ty điện lực sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện…
Chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình mới đây đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Tokyo Gas (Nhật Bản) và Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam - liên danh nhà đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thái Bình về công tác triển khai đầu tư dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Kasutani, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tokyo Gas cho biết, đến nay liên danh đang cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện các thủ tục, xây dựng chi tiết kế hoạch đầu tư, đồng thời chuẩn bị huy động mọi nguồn lực để sẵn sàng bắt tay vào việc xây dựng nhà máy. Tập đoàn Tokyo Gas mong muốn lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư dự án.
Quang cảnh buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định: Đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các địa phương phía Bắc. Vì vậy, tỉnh đã đưa dự án vào danh sách các dự án, công trình trọng điểm của Thái Bình; lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo về tiến độ thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Tỉnh Thái Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để liên danh triển khai dự án; trước mắt sẽ bàn giao mặt bằng sạch như tiến độ đã thống nhất. Cấp ủy, chính quyền tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư thuộc thẩm quyền và tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, kinh doanh năng lượng.
Ông Nguyễn Khắc Thận đề nghị liên danh nhà đầu tư chủ động huy động bảo đảm nguồn lực tài chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, tổ chức khởi công, về đích đúng tiến độ đề ra.
Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình do Tập đoàn Tokyo Gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là nhà đầu tư. Nhà máy có tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Dự kiến dự án được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành thương mại, trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm.
Ngân Hà