Bản tin năng lượng số 41/2023
Mới đây, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức toạ đàm "Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam" tại Hà Nội.
Nhận diện những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại trong thời gian tới
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, trong giai đoạn gần đây, vai trò của ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại ngày càng nâng cao và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt…
Hiện nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với phát triển ngành công nghiệp, thương mại và cả nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.
Quang cảnh tọa đàm
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam” với sự tham dự của các chuyên gia nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá về những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại. Đồng thời chia sẻ về những kinh nghiệm khai thác, tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới đối với ngành công thương.
Tại tọa đàm, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch là xu hướng tất yếu của nhân loại” với các nội dung chính: khái quát xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng sạch góp phần chống biến đổi khí hậu trên thế giới; tiềm năng về năng lượng sạch tại Việt Nam và chủ trương phát triển năng lượng sạch của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng được nghe tham luận về những nội dung như: mở rộng khối BRICS và tác động của nó đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam; phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới – cơ hội và thách thức; bối cảnh thế giới mới tác động đến phát triển thương mại trong giai đoạn tới.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khẳng định, những phân tích, đánh giá và ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm sẽ là tư liệu quý báu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp, năng lượng và thương mại phát triển trong giai đoạn tới.
Ban hành quy chế làm việc của Ban thư ký thực hiện Tuyên bố JETP
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Quyết định số 3028/QĐ-BTNMT ngày 18/10/2023 ban hành quy chế làm việc của Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo đó, quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ làm việc và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (gọi tắt là Ban Thư ký).
Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ban Thư ký, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng
Theo quy chế, thành viên Ban Thư ký và các Nhóm công tác có trách nhiệm phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các đối tác khác trong triển khai thực hiện JETP.
Cụ thể, tổ chức các cuộc họp tham vấn, trao đổi, thảo luận với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các đối tác khác trong quá trình triển khai thực hiện JETP.
Mời Đại sứ quán Vương quốc Anh và Phái đoàn Liên minh châu Âu là hai đại diện của Nhóm các đối tác quốc tế triển khai thực hiện JETP tại Việt Nam tham dự một số cuộc họp của Ban Thư ký khi cần thiết.
Mời Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các đối tác khác khi cần thiết tham gia các hoạt động của các Nhóm công tác liên quan đến xây dựng, cập nhật và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Doanh nghiệp Hà Lan đề xuất phát triển dự án đốt rác phát điện tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ mới đây đã tiếp và làm việc với Công ty TNHH Harvest Waste B.V (Hà Lan) để nghe báo cáo về dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt và phát điện tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Tại buổi làm việc, ông Evert Lichtenbelt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Harvest Waste B.V thông tin, Harvest Waste B.V chuyên xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, có tài chính, năng lực và kinh nghiệm tại châu Âu từ năm 2008 đến nay. Công ty mong muốn được đầu tư nhà máy xử lý chất thải tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Mục tiêu của dự án là xử lý bền vững ít nhất 1.000 tấn/ngày chất thải rắn đô thị và chất thải công nghiệp. Dự án sẽ tạo ra khoảng 25MW điện tải cơ bản, cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt của châu Âu. Sau khi đầu tư, mức phí xử lý rác của công ty dành cho Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ bằng 50% phí xử lý rác hiện tại mà tỉnh đang phải trả để chôn lấp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH Harvest Waste B.V (Hà Lan)
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chia sẻ cụ thể về chủ trương của tỉnh trong việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt, phát điện. Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá cao công nghệ của Công ty Harvest Waste B.V và bày tỏ mong muốn, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, đầu tư nhà máy tại tỉnh.