Bản tin năng lượng số 37/2023
Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp cụ thể liên quan tới việc làm, đào tạo các kỹ năng cho người lao động để phục vụ thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng
Tại Hà Nội, mới đây, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chủ trì hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng = Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang tới cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng cần phải xem xét và kết hợp các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới và việc làm gián tiếp liên quan đến chuyển dịch năng lượng
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ: “CHLB Đức là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam. Dự án chung đầu tiên giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được triển khai vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác giữa chúng ta đã không ngừng phát triển và hiện nay, tổng giá trị danh mục các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch hiện lên tới hơn 1 tỷ Euro.
Trong hội nghị này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của chính mình: Ở Đức, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu người. Điều này cho thấy quá trình chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp với đòi hỏi khắt khe nhưng cũng là những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế”.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định: "Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng cần thiết và sẵn sàng học hỏi từ các điển hình tốt trên thế giới; đồng thời, đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Việt - Đức và tin tưởng mối quan hệ này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và tương lai xanh, phát triển bền vững cho Việt Nam”.
Hội thảo kỳ vọng tạo ra một diễn đàn để đưa chủ đề chuyển dịch năng lượng gắn liền với chuyển dịch việc làm đến gần với công chúng. Và quan trọng hơn hết là Việt Nam có những quyết sách đúng đắn và phù hợp để chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Bộ Công Thương báo cáo về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 158/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Ảnh minh họa
Theo đó, mục tiêu của việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) bao gồm: đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất 2 trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất. Trường hợp thứ nhất là trường hợp đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn thông qua đường dây riêng và trường hợp thứ hai là trường hợp đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng lớn mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.
Triển khai xây dựng công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3
Lễ triển khai thi công xây dựng công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 đã vừa diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận.
Hai dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án điện 2 đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành dự án.
Công suất lắp đặt của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 là 100MWp và Phước Thái 3 là 50MWp với tổng mức đầu tư khoảng 4.209 tỷ đồng. Cả 2 nhà máy được đấu nối lên hệ thống điện quốc gia qua đường dây 220kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm.
Lễ triển khai thi công xây dựng công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3
Theo kế hoạch, 2 dự án sẽ hoàn thành phát điện vào quý I/2024, sau khi hoàn thành, sẽ bổ sung sản lượng điện hàng năm trên 247 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch quốc gia. Đồng thời, 2 dự án góp phần cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia nói chung và khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nói riêng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn hệ thống, phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án.