Bản tin năng lượng số 20/2024
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch và hệ thống cơ sở hạ tầng trên toàn cầu dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm 2024. Ước tính, mức đầu tư này sẽ gấp đôi mức đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch.
Đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm 2024
Theo báo cáo Đầu tư năng lượng thế giới hàng năm của IEA, bất chấp áp lực về tài chính, đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch dự kiến sẽ đạt gần gấp đôi số tiền dành cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2024 nhờ cải thiện chuỗi cung ứng và giảm chi phí cho các công nghệ sạch.
Tổng đầu tư năng lượng trên toàn thế giới dự kiến lần đầu tiên sẽ vượt hơn 3.000 tỷ đô la vào năm 2024, với khoảng 2.000 tỷ đô la dành cho các công nghệ sạch bao gồm: năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt. Phần còn lại sẽ dành cho than, khí đốt và dầu. Vào năm 2023, lần đầu tiên, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện đã vượt qua số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2024, kỷ lục này tiếp tục được lặp lại.
Ước tính trong năm 2024, mức đầu tư dành cho năng lượng sạch sẽ gấp đôi mức đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch
Tuy nhiên, báo cáo mới cảnh báo rằng vẫn còn sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong dòng đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới. Báo cáo nêu bật mức chi tiêu cho năng lượng sạch thấp ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (ngoài Trung Quốc), dự kiến sẽ vượt quá 300 tỷ đô la lần đầu tiên với các quốc gia dẫn đầu là Ấn Độ và Brazil. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 15% mức đầu tư năng lượng sạch toàn cầu, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở nhiều quốc gia này, nơi chi phí vốn cao đang kìm hãm sự phát triển của các dự án mới.
IEA nhận định việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon có hại sẽ đòi hỏi phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030.
Hải Phòng mời thầu dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện
Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng vừa đăng tải công khai Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng đã có quyết định giao Ban Quản lý khu kinh tế làm bên mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, với tổng mức đầu tư 2.499 tỷ đồng.
Dự án có mục tiêu xử lý 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày và phát điện khoảng 20MW, được coi là một dự án mang tính đột phá, mang tính chiến lược của thành phố Hải Phòng. Dự án sẽ có quy mô sử dụng khoảng 10,56ha đất, trong đó, diện tích xây dựng nhà máy khoảng 9,54ha, diện tích để xây dựng đường giao thông kết nối với bên ngoài khoảng 1,02ha.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An sẽ là một dự án mang tính đột phá, mang tính chiến lược của thành phố.
Thành phố Hải Phòng mong muốn lựa chọn được nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia dự án này, cùng chung tay kiến tạo một Hải Phòng xanh, năng động, phát triển bền vững; đồng thời tạo dựng nhiều cơ hội đầu tư, quảng bá hình ảnh của nhà đầu tư. Nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất với công nghệ hiện đại, thành phố đang kêu gọi các nhà thầu tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, hiệu quả xây dựng hồ sơ mời thầu và tổng hợp, phân loại hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên.
Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo Chia sẻ kiến thức về phát triển điện gió ngoài khơi
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo Chia sẻ kiến thức về phát triển điện gió ngoài khơi. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp xu thế quốc tế trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp… bảo đảm thực hiện cam kết Net Zero.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi và thuận lợi trong việc hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.
Ảnh minh họa
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý đánh giá là có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, hiện còn có một số khó khăn, thách thức nhất định, cụ thể về công nghệ phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi toàn quốc; các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng; chưa có quy định về diện tích khu vực đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, công suất điện gió tối đa…
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại hội thảo, đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch chia sẻ những kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Đan Mạch, liên quan đến các nội dung như: công nghệ tuabin gió; mô hình đấu thầu điện gió ngoài khơi; chi phí điện gió, tạo việc làm và hạ tầng cảng…
Trong khuôn khổ hội thảo còn có tọa đàm phát triển trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi và lực lượng lao động có tay nghề của Việt Nam với khách mời tham dự là lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này trong và ngoài nước.