Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/1: Giá dầu thế giới tăng mạnh
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất trên thị trường Năng lượng Quốc tế.
Ảnh: PetroTimes |
1. Tính đến đầu giờ sáng nay 13/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 78,19 USD/thùng - tăng 2,12%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 81,37 USD/thùng - tăng 2,02%.
Giá dầu tăng tương đối mạnh được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến lo ngại các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và Iran sẽ hạn chế nguồn cung từ 2 quốc gia này; khả năng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng; thời tiết giá lạnh tại Mỹ và Châu Âu thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu mùa đông, và đặc biệt là gói trừng phạt lớn nhất của Mỹ nhằm vào các tàu chở dầu của Nga.
2. Công ty dầu khí TotalEnergies của Pháp đã bắt đầu xây dựng cơ sở xử lý khí đốt ở Iraq, giai đoạn đầu tiên của một dự án đa năng lượng quy mô lớn.
Dự án mang tên ArtawiGas25 sẽ xử lý 50 triệu feet khối khí đốt mỗi ngày từ mỏ Ratawi, đủ cung cấp cho các nhà máy địa phương để cung cấp điện cho 200.000 hộ gia đình ở vùng Basra.
3. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ dự kiến nguồn cung dầu thô giá rẻ của Nga sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng do lệnh trừng phạt sắp tới của Mỹ đối với các tàu chở dầu của Nga.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ hiểu rằng Chính quyền của Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm sẽ nhắm mục tiêu vào hơn 180 tàu chở dầu thô của Nga trong một gói trừng phạt mới, theo các nguồn tin của Reuters.
4. Sau nhiều thập kỷ ngành dầu khí của Libya không được quan tâm nhiều do các lệnh trừng phạt và nội chiến, một chương mới có thể sẽ mở ra vào năm 2025.
Dựa trên khả năng Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đấu thầu 22 lô thăm dò trên đất liền và ngoài khơi, kỳ vọng rất cao rằng các công ty dầu mỏ quốc tế (IOC) sẽ quay trở lại.
5. Lễ nhậm chức của Donald Trump vào cuối tháng này được mọi người tin rằng sẽ mang lại một kỷ nguyên mới trong chính sách năng lượng của Mỹ - một kỷ nguyên của các quy định ủng hộ dầu mỏ và khí đốt nhằm thúc đẩy khai thác và xuất khẩu của đất nước.
Tuy nhiên, niềm tin này có thể bị tan vỡ bởi những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống đắc cử.
Bình An