Xuất nhập khẩu: Bước nhảy vọt sau hơn hai thập kỷ
Xuất nhập khẩu là minh chứng của việc tăng trưởng thần kỳ khi trong giai đoạn 2001-2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 25 lần, đạt 786,29 tỷ USD.
Bước tiến thần tốc
Nhìn lại hành trình hơn hai thập niên qua, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam là một trong những điểm sáng ngoạn mục nhất của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan), nếu năm 2001, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, thì đến năm 2024, con số này đã cán mốc 405,53 tỷ USD. Một mức tăng trưởng hơn 27 lần chỉ trong vòng 23 năm. Đây là điều từng được xem là bất khả thi với một quốc gia đang phát triển, bước vào hội nhập từ vị thế yếu.
![]() |
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế - Ảnh: Cấn Dũng |
Cùng thời điểm, nhập khẩu cũng ghi nhận bước tiến mạnh mẽ, từ khoảng 16,2 tỷ USD năm 2001 lên 380,76 tỷ USD năm 2024. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Đây là minh chứng rõ rệt cho năng lực phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Một dấu mốc quan trọng trong bức tranh thương mại Việt Nam là sự chuyển mình rõ nét từ tình trạng nhập siêu kéo dài sang xuất siêu bền vững. Từ năm 2012, Việt Nam lần đầu ghi nhận xuất siêu và kể từ đó đến nay, xu thế này được duy trì liên tục.
Đáng chú ý, năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất khẩu với mức thặng dư kỷ lục lên đến 24,77 tỷ USD. Đây không chỉ là con số kỹ thuật mà còn là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch thực chất của nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo và giá trị gia tăng.
Đặc biệt, quý I/2025, dù đối mặt với vô vàn khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 202 tỷ USD, là mức cao nhất của quý I trong giai đoạn 2016 - 2025. Cán cân thương mại quý đầu năm tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, với mức xuất siêu 3,15 tỷ USD, tạo điều kiện quan trọng cho dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số vĩ mô.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ đánh giá, để có được thành tựu như hiện tại, không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia trong hai thập kỷ qua. Từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, đến các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, Việt Nam đã dần xóa bỏ các rào cản thuế quan, mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu nhiều nhóm hàng chiến lược.
![]() |
Xuất khẩu gạo tăng cao giúp cải thiện đời sống của bà con nông dân - Ảnh: Cấn Dũng |
“Thành công của hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là đã đưa được nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, sầu riêng, dừa tươi… ra nước ngoài, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Đây là hiệu quả mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc” - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói.
Các mặt hàng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, gỗ, nông sản... đã chinh phục được những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 88% tổng kim ngạch xuất khẩu, là trụ cột của thương mại hàng hóa.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Tuy vậy, nếu nhìn lại chặng đường từ năm 2001 đến 2024, Việt Nam có quyền tin vào một tương lai bứt phá mạnh mẽ hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngay trong năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.
Chia sẻ với báo chí về mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đây là một mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Để thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.
Song song với đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao, với tỷ trọng lớn đến từ các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và dịch vụ giá trị gia tăng. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Việc phát triển thương mại bền vững, xanh hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số và tận dụng các FTA hiệu quả sẽ là chìa khóa để nâng tầm vị thế xuất nhập khẩu Việt Nam trong thế kỷ 21.
Cùng với kết quả xuất nhập khẩu khả quan, những cải cách về thủ tục hải quan, logistics, chính sách thu hút đầu tư cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. |