Xuất khẩu thoát đáy: Cú hích cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu?
Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán hồ hởi đón lấy những dòng thông tin tích cực về xuất khẩu ngay khi Việt Nam đang rất cần một đầu kéo về tăng trưởng.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu cũng bắt đầu những bước chạy mới. Niềm yêu thích của giới đầu tư dành cho nhóm ngành xuất khẩu cũng thể hiện rõ trong những phiên rung lắc gần đây.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu thủy sản, dệt may, gỗ… đều trụ vững dù chỉ số VN-Index suy giảm.
Diễn biến của các chỉ số thủy sản, hàng dệt may so với VN-Index
Nguồn: VietstockFinance |
Chính kỳ vọng xuất khẩu thoát đáy cùng với câu chuyện nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ đang “thổi luồng sinh khí” mới vào nhóm cổ phiếu này.
Đáng nói hơn, xuất khẩu có dấu hiệu đảo chiều ngay khi kinh tế Việt Nam đang rất cần một “đầu kéo” về tăng trưởng trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam đã đến hạn, đầu tư công dù đang được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của giới đầu tư.
Xuất khẩu thoát đáy
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu gần 8 tỷ USD hàng hóa, là mức cao nhất từ đầu năm 2023 và mức giảm so với cùng kỳ cũng được thu hẹp dần qua từng tháng.
Nguồn: Tổng cục thống kê |
Trong đó, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã hồi phục, rõ rệt nhất là Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu hơn 9 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ - mức cao nhất trong gần 1 năm. Con số này còn có thể tăng thêm khi nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp bước vào dịp lễ cuối năm và hàng hóa Việt cũng trở nên cạnh tranh hơn khi tiền đồng mất giá so với USD.
Kế đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhóm ASEAN cũng có dấu hiệu cải thiện.
Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu sang EU chững lại trong tháng 8, với mức giảm 3% so với tháng 7 và giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn, do khối này đang phải đối mặt với điều kiện tài chính bị thắt chặt, hoạt động kinh tế suy yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút.
Gỗ, dệt may, thủy sản hồi phục mạnh
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã hồi phục mạnh trong tháng 8/2023. Nhóm hàng điện thoại, máy tính có sự cải thiện rõ rệt từ tháng 6/2023, trong khi hàng dệt may, thủy sản và gỗ đều có dấu hiệu tạo đáy trong vài tháng gần đây.
Nhiều lãnh đạo trong ngành cũng tỏ ra lạc quan khi nhìn về những tháng cuối năm.
Với ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), đánh giá tôm Việt đang trong giai đoạn tăng tốc giao hàng và triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn.
“Trong mùa lễ hội, các dịch vụ ở những địa điểm vui chơi, nhà hàng… sẽ rất sôi động và chắc chắn tôm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Hàng tồn kho một số nước còn khá, như Ecuador, Ấn Độ nhưng tập trung hàng sơ chế, cho nên hàng chế biến sâu của chúng ta có nền tảng thuận lợi bứt phá cho 3 tháng tới, khi vào mùa lễ hội, mảng dịch vụ có nhu cầu hàng chế biến sâu tăng cao” - ông Lực chia sẻ.
Riêng về FMC, ông Lực cho biết: “FMC đã có sự tiến triển, nhất là 2 tháng gần đây, khi mức độ thua sút năm rồi được thu hẹp dần; đến hết tháng 8 này còn giảm 19.8% so với cùng kỳ năm rồi. Xu thế này còn giữ vững. Khả năng cuối năm, biên độ này sẽ thu hẹp còn khoảng 10%”.
Tương tự, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May10, chia sẻ, gần đây sau nhiều tháng sụt giảm, xuất khẩu dệt may đã có những tín hiệu sáng hơn, doanh nghiệp đã có đơn hàng và chuyển sang trạng thái "đủ ăn, đủ mặc".“Năm 2023 đánh dấu một năm khó khăn khi những đơn hàng chúng tôi phải 'giật gấu vá vai' liên tục trong suốt 8 tháng vừa qua. Dù vậy, thời điểm hiện tại đang chuyển dần sang trạng thái đủ ăn, đủ mặc” - ông nói.
Với ngành gỗ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tín hiệu khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023, do tồn kho hàng hóa tại các khu vực lớn như châu Mỹ, đặc biệt là tại thị trường Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Xuất khẩu vào thị trường này tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong thời gian tới.
Trước mắt, báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới vẫn đang hồi phục.
Chờ đợi cú hích từ việc nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ
Cũng góp phần vào bức tranh tích cực về xuất khẩu là câu chuyện nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Hiện Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của đất nước hình chữ S trong vài năm gần đây. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 30%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ về thương mại.
Đánh giá về sự kiện quan trọng này, ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc trung tâm phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, việc nâng cấp quan hệ thương mại Việt - Mỹ sẽ mang lại hy vọng rất lớn cho nước ta.
“Kỳ vọng là yếu tố quan trọng và chúng sẽ dẫn dắt đầu tư lẫn tiêu dùng trong nền kinh tế. Yếu tố nào kích hoạt lại kỳ vọng tăng trưởng các đơn hàng xuất khẩu sẽ kích hoạt lại nền kinh tế của chúng ta. Việc nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ là cú hích vô cùng quan trọng để thay đổi cục diện hiện nay. Đây là yếu tố chúng tôi rất kỳ vọng và được thị trường đánh giá rất cao. Bước đi này sẽ thay đổi bối cảnh bên ngoài và qua đó cải thiện môi trường bên trong” - ông cho biết.
Kỳ vọng về xuất khẩu cùng với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ có thể là một “ngòi nổ” cần thiết để vực dậy tăng trưởng của đất nước hình chữ S, hay ít nhất là mang lại một kỳ vọng tích cực hơn về Việt Nam.