Tìm “làn gió mới” cho bất động sản miền Trung
Bất động sản miền Trung đang lắm khó khăn, nhiều vướng mắc. Bên cạnh việc tìm phương hướng tháo gỡ, cũng cần “làn gió mới” để phát huy nguồn lực đất đai.
Chính quyền chung tay
Tưởng chừng như khi đại dịch Covid-19 được khống chế, bất động sản miền Trung sẽ lại lên ngôi, huy hoàng như trước, thế nhưng, đến nay đã ngót nghét gần 2 năm trời, ngành nghề “hot” từng “làm mưa làm gió” này vẫn đang im ắng.
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin dọc theo tuyến đường 2/9, quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng, hiện trạng khá tiêu điều. Đây là con đường một thời được mệnh danh là “con đường bất động” với hàng loạt công ty hoạt động nhộn nhịp, nhưng nay hầu như “cửa đóng then cài”.
“Thị trường đóng băng nên nửa năm nay công ty chỉ mở cửa lấy ngày rồi đóng cửa chứ buôn bán gì với tình hình này”, một nhân viên bất động sản cho hay.
Cũng như Tp.Đà Nẵng, bất động sản Quảng Nam nửa năm 2023 bị ảnh hưởng bởi nhiều vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính, pháp lý. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh này vừa có giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng các Sở, ban, ngành liên quan huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chính quyền địa phương, Quảng Nam cũng yêu cầu rà soát, thống kê số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn. Qua đó, phân loại các dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án vướng mắc, hoặc triển khai chậm và xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay theo thẩm quyền, hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Mặt khác, rà soát, tổng hợp vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của vướng mắc, để tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Định cũng vừa lên kế hoạch triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đã và đang triển khai để dự án sớm hoàn thành. Song song đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý. Đặc biệt, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập người dân.
Để thực hiện, Bình Định yêu cầu đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường, kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn, đầu cơ, thổi giá bất động sản lên cao hòng trục lợi, làm mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.
Góc nhìn mới, “làn gió mới”
Thách thức luôn đi kèm với cơ hội! Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Công Như Nguyện, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Địa Ốc SCD Đà Nẵng (TOP 20 gương mặt truyền cảm hứng cho ngành bất động sản 2023). Theo vị này, thấy được sự khó khăn của dòng tiền nên chủ đầu tư các dự án bất động sản hiện tại sẵn sàng kéo dài lịch thanh toán, các sàn có chính sách bán hàng ưu đãi. Đây chính là cơ hội mua bất động sản để ở lẫn đầu tư.
“Thay vì chờ đợi bất động sản xuống đáy, người mua xác định các yếu tố như hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu, mục đích, thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định xuống tiền và thực tế, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội để vào thị trường”, ông Nguyện chia sẻ.
Bên cạnh tìm kiếm cơ hội từ khó khăn, theo ghi nhận của chúng tôi, tại miền Trung đang định hình nên hướng phát triển mới đó là bất động sản gắn du lịch, gắn với sinh thái nông nghiệp. “Làn gió mới” này đặc biệt phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, khi người dân có xu hướng tìm đến những địa điểm gần gũi với thiên nhiên để trải nghiệm.
Xuất hiện đầu tiên tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mô hình “Nông trại Lò Gạch Cũ” thời gian qua đã tạo nên một “cơn sốt” đối với du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê check-in, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp. Mô hình này là sự kết hợp giữa nông nghiệp trồng lúa và mô hình kiến trúc gắn với việc sản xuất gạch của địa phương.
Theo đó, sau cùng khi nắm bắt được xu hướng tìm về với thiên nhiên của con người hiện nay, chủ cơ sở quyết định lên ý tưởng phát triển mô hình. Mô hình kinh tế nông nghiệp này rất hiệu quả không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Từ đơn giản là điểm check - in với mô hình lò gạch cũ, đến nhiều tour trải nghiệm làm nông dân cho du khách, cũng như bán các sản phẩm OCOP mà chủ yếu là gạo đen do chính người dân ở khu vực gieo trồng.
Cũng như vậy, tại Tp.Đà Nẵng, dọc theo 2 bên bờ sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang không còn cảnh nhà nhà người người cắt đất, phân lô bán bất động sản. Miền sơn cước này vốn giá trị bất động sản rất cao khi có sông có núi có đồng bằng lại gần với nội đô. Thay vì trước kia kẻ mua người bán nhộn nhịp, thì nay bất động sản nơi đây đang được đầu tư mô hình du lịch, nông nghiệp đúng nghĩa.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2020 - 2021, xã Hòa Bắc đón nhận khoảng 5.000 - 7.000 lượt khách/năm, con số này đã tăng lên nhiều trong các năm trở lại đây. Đặc biệt, trong tuần lễ du lịch Hòa Bắc 2023 (từ ngày 25/4 - 1/5), hơn 15.000 lượt khách đã đến với Hòa Bắc. Với những con số nêu trên, có thể thấy được sức hấp dẫn ngày càng lớn của du lịch sinh thái cộng đồng tại Hòa Bắc. Tuy nhiên, nếu muốn sự phát triển đó mang tính bền vững thì vẫn cần nhiều cơ chế chính sách cho đến ý thức mỗi người.
Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết, UBND xã đã có các kiến nghị đến đến các cấp về những cơ chế giúp cho người dân địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển các mô hình bất động sản gắn với du lịch, gắn với nông nghiệp bền vững.