Những nhà đầu cơ chơi “tàu lượn” trên thị trường chứng khoán
Sóng đầu cơ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung và các mã cơ bản tốt, song, với những nhà đầu tư "đón sóng" đầu cơ, kết quả lại trái ngược.
Dòng tiền ồ ạt đổ vào rồi lại rút ra khỏi thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm đầu cơ, dù nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm này khó bền và có thể "nhốt sàn" nhà đầu tư.
Chỉ trong vòng một tuần, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều đợt sóng đầu cơ nổi lên - chìm xuống, không ít nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao đổ tiền vào làn sóng này. Người mừng, kẻ khóc.
Trong khi nhóm bluechip đã dẫn dắt thị trường suốt cả năm 2021 khiến chứng khoán tăng tới gần 36% - mức tăng mạnh trên thế giới, với mức định giá không còn quá hấp dẫn, nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận hướng nhà đầu tư đến những nhóm chưa tăng, như bất động sản, xây dựng...
"Cuộc chơi tàu lượn" của FLC
FLC, ROS và các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC chỉ trong vài tháng đầu năm 2022 đã trải qua hai đợt sóng lớn, từ vùng thấp được kéo lên cao kèm thanh khoản lập kỷ lục lịch sử sàn chứng khoán rồi lại đột ngột lao dốc.
Trong đợt sóng đầu tiên, FLC tăng 60%, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 24.000 đồng/cổ phiếu và thanh khoản phiên 11/1 lập kỷ lục gần 155 triệu đơn vị - gấp 5 lần thanh khoản cách đó một tháng. Phiên ngày 10/1 trước đó thanh khoản của FLC cũng lên tới 135 triệu đơn vị. ROS khi đó cũng chạm đỉnh 17.100 đồng/cổ phiếu và sang tay gần 99 triệu cổ phiếu/phiên. ART, AMD, HAI và KLF (nhóm cổ phiếu cùng hệ sinh thái) đều xác lập mức giá cao nhất một năm trước đó một ngày.
Đợt sóng này trùng giai đoạn ông Quyết đặt lệnh bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Sau khi bị phát hiện, các mã này đều giảm sàn 9 phiên liên tiếp. Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy bằng mọi giá nhưng không phải ai cũng thành công khi số lượng dư bán mỗi phiên lên đến vài chục triệu cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư bị "nhốt sàn".
Đợt sóng thứ 2, gần đây nhất, kể từ hôm 27/3, nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục mất thanh khoản 4 phiên liên tiếp với lượng dư bán sàn của nhóm này lên tới hơn 200 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Đến ngày 1/4, nhóm này lại quay đầu có thanh khoản trở lại. FLC có hơn 100 triệu cổ phiếu sang tay, ROS có hơn 88,4 triệu cổ phiếu. 4 mã còn lại cũng tăng kịch trần với khối lượng đặt mua hàng triệu đơn vị. FLC thậm chí ngay trong tối cùng ngày có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán, HoSE và Trung tâm lưu ký kiểm tra khi khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC lên tới 14% vốn điều lệ.
Tập đoàn này còn đề nghị Ủy ban chứng khoán và HoSE có thể tạm ngừng, đình chỉ giao dịch với mã FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch nếu phát hiện có vi phạm.
Nhiều nhà đầu tư ví von mua cổ phiếu FLC giống như cuộc chơi tàu lượn. Mã này có một kịch bản không khác nhau mỗi lần "nổi sóng" khi đi từ "chân sóng" đến đỉnh một thời gian, với nhiều chu kỳ tăng mạnh/tăng trần. Sau đó lại bất ngờ lao dốc liên tiếp, mất thanh khoản và bỗng một ngày đẹp trời lại có thanh khoản đột biến trở lại. Cảm xúc của nhà đầu tư cũng biễn biến theo đồ thị cổ phiếu, từ tháo chạy rồi bất chợt lại quay đầu.
Cổ phiếu đầu cơ "lượn sóng"
Trước khi FLC trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán tuần vừa rồi, nhà đầu tư cũng đã có những phen phải nhìn mức lợi nhuận bốc hơi trong chớp mắt khi bắt nhầm sóng.
Với nhiều nhà đầu tư, chuỗi tăng dựng đứng và niềm tin cầm cổ phiếu nóng thời gian ngắn sẽ có kết quả bằng cầm mã bluechip cả năm như một ma lực khó cưỡng.
Một nhóm cổ phiếu liên quan đến Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, HNX: DNP), doanh nghiệp do ông Vũ Đình Độ hiện làm Chủ tịch HĐTQ vẫn bứt phá mạnh, tăng trần liên tiếp và lập đỉnh. Các cổ đông sở hữu những cổ phiếu này đã từng có tuần "đón sóng" thành công.
DNP, NVT, HUT, JVC, VC9 tăng hết biên độ, liên tục lập đỉnh về thị giá và thanh khoản mặc kệ tình hình kinh doanh không khả quan và trước đó giao dịch ở mức thấp trên sàn. Có những mã chỉ mới cách đây nửa năm chỉ dao động dưới vùng 10.000 đồng/cổ phiếu mà bỗng nhiên bật tăng ấn tượng. HUT tăng trần dù chỉ vừa thoát lỗ quý cuối năm vừa rồi, VC9 tăng hết biên độ bất chấp đang đứng trước án hủy niêm yết, NVT kinh doanh thua lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vẫn bật tăng...
Tuy nhiên, cái kết buồn đã xảy ra với những nhà đầu tư "đón sóng" muộn. Sau khi tăng 80% thị giá sau chuỗi 7 phiên tăng trần, DNP quay đầu giảm sàn. HUT cũng nhanh chóng tạo mô hình cây thông cùng các mã khác. NVT là một trong những mã tăng khỏe nhất, bởi thời điểm các cổ phiếu cùng hệ sinh thái đã quay đầu, mã này vẫn bật tăng. Song, sau 13 phiên biến động dữ dội, mã này chính thức quay đầu giảm sàn, hôm 31/3.
"Sóng" đầu cơ không tác động mạnh đến thị trường
Hầu hết các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn, chưa có dấu hiệu bán lan từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ra thị trường chung. Với vụ việc của FLC, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho rằng mức độ ảnh hưởng xét về khía cạnh vĩ mô là thấp và không đáng kể vì quy mô kinh doanh của hệ sinh thái này bé. Tổng doanh thu hệ sinh thái FLC vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD.
Dư nợ vay ngắn và dài hạn chưa tính Bamboo Airways vào khoảng 8.400 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế. Ở góc độ thị trường chứng khoán, các mã liên quan hệ sinh thái FLC bị bán tháo là điều khó tránh khỏi, một số ngân hàng có dư nợ cho vay với FLC cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với toàn bộ thị trường và các nhóm ngành còn lại, theo ông Tuấn, sự kiện này không liên quan.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, dòng cổ phiếu đầu cơ là nhóm chi phối thị trường. Dòng tiền đổ vào nhóm này rất lớn, đi kèm với lượng vay margin ở mức cao. Tuy nhiên, sau cú rơi mạnh đầu tháng 1, khi trong 3 phiên đầu tuần từ ngày 17-19/1, VN-Index "bốc hơi" tới 58 điểm, các bên đã thận trọng hơn. Các công ty chứng khoán đã giảm, thậm chí dừng cấp margin cho một số mã đầu cơ. Chẳng hạn, cách đây 2 tuần, cổ phiếu CII đã bị cắt margin vì kinh doanh thua lỗ. Nhà đầu tư cũng giảm dần tỉ trọng vào nhóm này. Các mã bất động sản và đầu cơ vẫn có những thời điểm hút dòng tiền, nhưng không quá mạnh và mang tính chi phối như giai đoạn cuối năm 2021.
Hạn chế lòng tham khi mua cổ phiếu
Sóng đầu cơ sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung và các mã cơ bản tốt, song, với những nhà đầu tư "đón sóng" đầu cơ, kết quả lại khác.
Theo ông Nguyễn Khoa Bảo, Trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS, sóng cổ phiếu đầu cơ thường diễn ra khá ngắn do chỉ phụ thuộc cung/cầu ngắn hạn trong khi nền tảng cơ bản, hoạt động kinh doanh không đủ sức hỗ trợ. "Do đó xu hướng tăng nếu có diễn ra trở lại cũng sẽ không bền vững nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với nhóm cổ phiếu đầu cơ", ông cho hay.
Ông Bảo cho rằng để đầu tư an toàn, có hiệu quả, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp. Việc đầu tư cần phải xem xét kỹ, dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Bảo, khi đầu tư phải lưu ý hạn chế lòng tham, bởi cổ phiếu đầu cơ thường đánh đúng vào lòng tham của nhà đầu tư. Bản chất đầu cơ đa số không dựa vào hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Họ có thể chỉ dựa vào thông tin dẫn dắt xuất hiện liên tục trên hàng loạt nhóm chat "phím hàng" đã xuống tiền.
"Một cổ phiếu lợi nhuận doanh nghiệp không có, không có bất cứ một tiêu chí gì đáp ứng tiêu chí đầu tư thì nó là đầu cơ. Những cổ phiếu này tiền vào nhanh sau đó giá giảm mạnh. Nếu nhà đầu tư không có nhiều kiến thức và không tiết giảm lòng tham, rất dễ gặp rủi ro", ông Bảo nói.
Trong chứng khoán, rủi ro và lợi nhuận thường tỉ lệ thuận với nhau. "Nhà đầu tư nên đặt cho mình cụ thể một mức sinh lời kỳ vọng và bán ra khi đã đạt được mức đó", ông Bảo cho hay. Thị trường chứng khoán luôn biến động, ngay những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng luôn phải chuẩn bị kịch bản xấu.
Ông Bảo cũng lưu ý phải kiên định theo quy chuẩn đặt ra ban đầu, bởi nếu vi phạm nguyên tắc đầu tư một lần thì sẽ có lần thứ hai. "Nếu vi phạm lặp lại, việc đầu tư sẽ mãi là đầu cơ và chỉ còn là cảm tính" - ông Bảo nói.