Thị trường bất động sản 'khát tiền'
Thị trường bất động sản rơi vào cảnh khát vốn khi các kênh huy động vốn qua ngân hàng và trái phiếu gặp khó. Các chủ đầu tư tìm mọi cách huy động vốn từ phía khách hàng.
Tìm cách huy động vốn từ khách hàng
Mới đây, một dự án ở phía Đông Hà Nội chuẩn bị mở bán nhưng đưa ra những chính sách khủng khi khách mua biệt thự, liền kề tại dự án. Lần đầu tiên, chủ đầu tư đưa ra chính sách cam kết cho thuê với lợi nhuận 6% trong vòng 5 năm, cam kết mua lại sau 5 năm với giá tăng 30% theo giá trị hợp đồng mua bán, chiết khấu 5% với khách hàng không vay…
Hay như dự án chung cư cao cấp trên đường Lê Văn Lương, khách hàng mua căn hộ sẽ được nhận các ưu đãi: chiết khấu thanh toán 5%, hỗ trợ lãi suất 0%, miễn phí dịch vụ quản lý 12 tháng…
Còn tại dự án chung cư tại quận Hoàng Mai, chủ đầu tư còn đưa ra chiết khấu khủng lên tới 30% với khách hàng thanh toán hết 1 lần.
Còn dự án căn hộ khách sạn tại Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt, chia nhỏ thành nhiều đợt. Khách hàng có thể sử dụng phương thức thanh toán nhanh 95% để nhận chiết khấu lên tới 4,5% giá trị căn hộ.
Người mua còn được tham gia chương trình cam kết cho thuê với lợi nhuận cam kết lên tới 240 triệu đồng một năm cho căn hai phòng ngủ, 120 triệu một năm với căn một phòng ngủ trong 2 năm đầu tiên.
Sau 2 năm, nhà đầu tư được hỗ trợ tham gia chương trình quản lý vận hành, chia sẻ lợi nhuận với mức lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ 80-20. Cụ thể, sau khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho đơn vị vận hành và quản lý khai thác kinh doanh. Sau khi trừ đi các khoản thuế, chi phí vận hành khai thác, chủ đầu tư sẽ chia 80% lợi nhuận khai thác tòa nhà cho khách hàng.
Ngoài ra, khi khách mua 2 căn trở lên được chiết khấu thêm 1% trên tổng giá trị các sản phẩm. Bên cạnh đó, tất cả khách hàng sở hữu căn hộ tại đây đều được miễn phí một năm phí quản lý kể từ thời điểm nhận bàn giao nhà và có đến 21 ngày nghỉ dưỡng miễn phí ngay tại dự án.
Vốn tín dụng khó "chảy" vào bất động sản
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cho hay, thời gian qua các ngân hàng đã quá… "dễ dãi" với lĩnh vực bất động sản. Theo ông, các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản.
"Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp địa ốc sẽ càng tăng thâm dụng vốn. Điều này rất nguy hiểm", ông Hiển nói và nhấn mạnh rằng, hiện nay có hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng, trong khi bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy, khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thì tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng.
Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế này, trong ngắn hạn thì dòng vốn đổ vào nhà đất rất khó có thể được nới rộng dù room tín dụng có được nới.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, nhìn nhận gần 6 tháng qua, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Từ ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, được xem là động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực. Tuy nhiên, các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường, dẫn đến khó khăn của địa ốc vẫn tiếp tục kéo dài.
"Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng để phát triển bền vững", ông Khương khuyến nghị.