Ninh Thuận: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 9,44%
Tháng 8/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Ninh Thuận tăng 9,44%, lũy kế 8 tháng chỉ số IIP tăng 8,64% so cùng kỳ.
8 tháng năm 2023, chỉ số IIP tăng 8,64%
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tháng 8/2023, công nghiệp khai khoáng duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 103,7%. Trong đó, khai thác muối biển tăng 47,6% do thời tiết thuận lợi; khai thác đá xây dựng tăng 33,8%.
Một số sản phẩm chủ yếu tiếp tục tăng, như muối biển (tăng 47,6%), nhân điều (tăng 22,9%), tôm đông lạnh (tăng 5,1%), nha đam (tăng 22,3%), bia đóng lon (tăng 3,3%), khăn bông (tăng 20,7%), xi măng (tăng 39,2%), đá granite (tăng 100%), điện sản xuất (tăng 7,2%).
Khu công nghiệp Du Long tại Ninh Thuận |
Công nghiệp chế biến, chế tạo có tín hiệu phục hồi, tăng 0,87% so tháng trước và tăng 7,92% so với cùng kỳ, trong đó, một số sản phẩm có chỉ số tăng, như thạch nha đam (tăng 22,3%), hạt điều (tăng 22,9%), tôm đông lạnh (tăng 5,1%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 tăng 9,44%, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 103,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,92%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,79% (Điện gió 68,4 triệu kwh, tăng 40,84%; Điện mặt trời 379,4 triệu kwh, tăng 1,74% so với cùng kỳ 2022).
Lũy kế 8 tháng năm 2023, chỉ số IIP tăng 8,64% so cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 56,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,75%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm chế biến gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chưa cao, đơn hàng mới giảm. Các sản phẩm chế biến giảm như nước yến (giảm 61,5%); muối chế biến (giảm 16,1%); gạch xây bằng đất sét nung (giảm 52,3%); gạch không nung (giảm 53,3%); quần áo các loại (giảm 10,7%).
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp Phước Minh 1 và Phước Minh 2 để kêu gọi đầu tư.
Thương mại - dịch vụ duy trì tăng trưởng khá
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong tháng 8/2023, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 3.236,5 tỷ đồng, tăng 15,6%. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.441 tỷ đồng (tăng 13,7%); Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 520 tỷ đồng (tăng 22,9%); Doanh thu du lịch lữ hành ước 1,4 tỷ đồng (tăng 67,2%); Doanh thu dịch vụ khác 273,3 tỷ đồng (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 25.148,6 tỷ đồng, tăng 16,7% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.271 tỷ đồng (tăng 13,8%); dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.773 tỷ đồng (tăng 35,2%); du lịch lữ hành ước đạt 10,1 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần); dịch vụ khác ước đạt 2.094 tỷ đồng (tăng 23,8%) so cùng kỳ.
Hoạt động du lịch phát triển tích cực, trong tháng đã thu hút 370.000 lượt khách, tăng 23,3% so cùng kỳ. Trong đó: khách quốc tế ước đạt 3.600 lượt khách, tăng 3,3 lần so cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 366.400 lượt khách, tăng 22,6% so cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng ước đạt 2.540.400 lượt khách, đạt 94,1% KH và tăng 21,2% so cùng kỳ (Trong đó khách quốc tế ước đạt 27.000 lượt khách, vượt 35% KH và tăng 3,8 lần so cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2.513.400 lượt khách, đạt 93,8% KH và tăng 20,3% so cùng kỳ).
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 22,9% (doanh thu ước đạt 520 tỷ đồng, tăng 22,9% so cùng kỳ, lũy kế 8 tháng ước đạt 3.773,5 tỷ đồng, tăng 35,2% so cùng kỳ).
Hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng, số lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa đều tăng so cùng kỳ.
Trong tháng 9, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra một số nhiệm vụ, trong đó tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam. Tiếp tục triển khai các chương trình bán hàng “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” theo Đề án hỗ trợ của Bộ Công thương; triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. |