Nhiều tín hiệu cho thấy chứng khoán chuẩn bị bước vào nhịp tăng mới
Theo chuyên gia, dòng tiền nội sẽ là yếu tố quan trọng trong giai đoạn này hấp thụ lực bán của khối ngoại và giúp thị trường phục hồi ổn định.
Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường
Nhìn nhận về bối cảnh thị trường trong buổi livetream do Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng tuần này NĐT sẽ tập trung vào các thông tin quan trọng của Mỹ như kỳ họp FOMC cuối cùng trong năm 2023, dữ liệu lạm phát (CPI/PPI) và doanh số bán lẻ… Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh (14/12).
Chỉ số S&P500 kết thúc tuần vượt đỉnh 2023 trong phiên cuối tuần khi dữ liệu từ thị trường lao động tích cực hơn dự báo. Tuy nhiên, kháng cự tại vùng cản từ 4.600-4.700 rất mạnh, do đó áp lực chốt lời xuất hiện có thể khiến chỉ số xuất hiện các nhịp điều chỉnh và rung lắc tiếp tục diễn ra. Chỉ báo GS-Indicator đã vào vùng quá mua là một tín hiệu cảnh báo trong ngắn hạn.
Dữ liệu phục hồi từ bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp giảm đã củng cố đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán nhưng đồng thời cũng làm giảm bớt kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu mùa xuân 2024.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index ghi nhận diễn biến tích cực sau 3 tuần rung lắc đi ngang khi bật tăng mạnh vượt qua MA50 tuần với thanh khoản tăng mạnh mẽ. Điều đó cho thấy dòng tiền lớn đã quay lại thị trường giúp thanh khoản bùng nổ.Thanh khoản tuần này không tăng mạnh mà duy trì ở nền giá cao.
Các chỉ báo độ rộng thị trường cho thấy tín hiệu lan tỏa tích cực. Sau một tuần tăng với sự xác nhận của một cây nến bùng nổ theo đà phiên 4/12, độ rộng thị trường quay trở lại xu hướng tích cực khi số mã trong rổ VN-Index nằm trên MA20/MA50 lên đến 65%-75% giúp xu hướng tăng ngắn hạn được củng cố chắc chắn.
Mặc dù vùng kháng cự ngắn hạn gần nhất đang cản trở xu hướng ở ngưỡng Fibonacci 38,2% 1.125 điểm, song xu hướng tích cực vẫn được duy trì và củng cố trong ngắn hạn nhờ nền thanh khoản cao, các chỉ báo kỹ thuật theo tuần như Stochastic Fast tiếp tục tăng. Vùng kháng cự tiếp theo theo đồ thị tuần đang nằm ở MA200/MA100 tuần tương ứng vùng 1.145 – 1.185 điểm.
Chứng khoán chuẩn bị bước vào nhịp tăng mới
Với diễn biến vĩ mô ổn định trở lại, tỷ giá hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng đang được thúc đẩy lên mức 9,15%, đầu tư công được thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi tăng trưởng. Việt Nam được tổ chức xếp hạng Fitch Ratings nâng bậc tín nhiệm của lên BB+ triển vọng ổn định là dấu ấn tích cực về vĩ mô và cũng cho thấy rủi ro đã dần qua đi. Trong bối cảnh tích cực đó, dòng tiền nội sẽ là yếu tố quan trọng trong giai đoạn này hấp thụ lực bán của khối ngoại và giúp thị trường phục hồi ổn định.
Nhìn từ đồ thị ngày, chỉ số VN-Index đã thoát trendline giảm kể từ đỉnh tháng 9 và vượt lên trên hai đường trung bình động quan trọng là MA200 và MA50 với thanh khoản cao. Trong đó, tín hiệu tích lũy xây nền giá diễn ra khá chắc chắn ngay trên hỗ trợ MA200 đang củng cố cho xu hướng cân bằng và chuẩn bị có nhịp tăng tiếp theo lên các vùng kháng cự cao hơn như 1.160 +/- nơi có mặt của đường MA100 ngày.
Về kịch bản lạc quan (70%), chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng tăng hướng đến vùng kháng cự ngắn hạn 1.140 - 1.160 điểm với thanh khoản tiếp tục được cải thiện tích cực. Có thể xuất hiện rung lắc chốt lời quanh mốc 1.140+/- tuy nhiên xu hướng tăng sẽ vẫn được giữ vững khi dòng tiền lan tỏa sang những nhóm cổ phiếu khác.
Trong kịch bản thận trọng (30%), trong trường hợp chỉ số VN-Index gặp rung lắc mạnh tại vùng cản mạnh 1.140 +/- mà chưa vượt qua được, khả năng nhịp điều chỉnh tích lũy quanh vùng dao động 1.110 – 1.125 trước khi bật tăng mạnh vượt qua 1.140 hướng lên 1.160 điểm.
Về chiến lược đầu tư, NĐT có thể xem xét chốt lời dần ở nhóm cổ phiếu Chứng khoán, BĐS, Dầu khí đã có nhịp tăng tốt và đang yếu đi khi tiệm cận sát kháng cự tại vùng đỉnh trong thời gian qua và chờ mua lại ở các nhịp điều chỉnh. Chiến lược đi theo dòng tiền tiếp tục ưu tiên trading các nhóm Ngành mạnh mà dòng tiền luân chuyển như Ngân hang, Thép, Hạ tầng, BĐS khu CN, Hóa chất, Điện,…