Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng vượt 2.000 USD trong năm 2023 và hé lộ chìa khoá thúc đẩy giá tăng
Một số chiến lược gia tin rằng giá vàng có thể vượt qua mốc 2000 USD vào năm 2023 khi đồng USD mất giá và nhu cầu của nhà đầu tư quay trở lại.
Cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát gia tăng, các biện pháp hạn chế chống COVID-19 và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho thị trường vàng trong năm 2022.
Kể từ khi đạt mức cao nhất khoảng 2070 USD/ounce vào tháng 3 khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá vàng đã giảm 21% xuống mức thấp nhất là 1624 USD/ounce vào cuối tháng 9.
Giá vàng giao ngay kết thúc năm 2022 ở mức 1.818,70 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2023 ở mức 1.826,2 USD. Mặc dù có những biến động rất mạnh, song tính chung cả năm, giá chỉ tăng khoảng 0,5%.
Việc đồng bạc xanh leo lên mức cao nhất 20 năm trong năm 2022 đã làm xói mòn nhu cầu đối với vàng thỏi - được định giá bằng đô la Mỹ. Giá vàng đã giảm khoảng 200 đô la kể từ mức cao nhất vào tháng 3/2022. Fed năm 2022 đã tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 lên mức 4,25% -4,5% trong một chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Han Tan, trưởng bộ phận phân tích thị trường của Exinity, cho biết: "Vì vàng là tài sản có lợi suất bằng 0, nên vai trò truyền thống của kim loại quý này như một nơi trú ẩn an toàn và là hàng rào chống lại lạm phát đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi các đợt tăng lãi suất quá mạnh mẽ của Fed trong năm 2022".
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ đã nói rõ ý định của họ về lạm phát, gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư, những người gần đây đã đặt cược vào việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Hướng đi của giá vàng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào đồng USD
Các nhà phân tích đều tin rằng triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục có vai trò tác động chính đối với thị trường vàng.
Sự phục hồi của giá vàng trong hai tháng qua giúp giải thích lý do tại sao tài sản trú ẩn an toàn và phòng ngừa lạm phát lại bị bỏ qua ngay cả khi giá tiêu dùng tăng vọt, và điều gì sẽ xảy ra để giá vàng phục hồi bền vững.
Phần lớn mức tăng gần đây của kim loại quý trùng hợp với thời điểm chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bắt đầu thấp hơn dự kiến (vào tháng 10/2022) vì điều đó gây ra sự sụt giảm của đồng bạc xanh và lợi suất thực trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát.
Theo Commonwealth Bank, trong khi vàng có lịch sử giữ mối quan hệ nghịch đảo với cả đồng USD và lợi suất thực, thì mối liên hệ của kim loại này với lợi suất thực trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ theo truyền thống là mối quan hệ mạnh mẽ hơn đối với cả 2 tài sản này.
Nhưng với việc giá vàng đang chật vật lên xuống theo sự biến động cực độ của lợi suất thực tế trong năm 2022 ay và đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, đồng tiền của Mỹ đã trở thành chìa khóa cho vận may của kim loại quý.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và việc các ngân hàng trung ương đang giảm tốc độ thắt chặt chính sách đã làm dấy lên suy đoán rằng đồng USD đã vượt qua mức cao nhất theo chu kỳ, điều này có thể thúc đẩy giá vàng trong năm 2023.
Jim Wyckoff, nhà phân tích kim loại cấp cao của Kitco cho biết: "Chỉ số đô la Mỹ yếu đi đang hỗ trợ giá cả, nhưng một yếu tố hạn chế mức tăng là sự gia tăng lợi suất trái phiếu hiện nay".
Ông Wyckoff nhận định những người đặt cược vào khả năng giá vàng tương lai tiếp tục tăng đang có lợi thế về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng vào cuối tháng 12/2022, chuyên gia này chỉ ra giá vàng đang trong một đợt tăng tăng kéo dài 7 tuần, với ngưỡng kháng cự đầu tiên là 1.825 USD/ounce.
Trên thực tế, giá vàng đã tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm 2023, khi USD lao dốc sau khi một số dữ liệu kinh tế của Mỹ củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Giá vàng giao ngay kết thúc tuần đầu tiên của năm mới đạt 1.867,18 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13 tháng 6 năm ngoái, trong khi giá vàng kỳ hạn đạt 1.869,7 USD.
Ngay từ lúc giá vàng còn đang giảm, không ít nhà phân tích lưu ý rằng tâm lý của những người tham gia thị trường năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi phản ứng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đối với lạm phát bong bóng.
Vivek Dhar, nhà phân tích năng lượng và khai thác mỏ của Ngân hàng Commonwealth cho biết: "Thị trường đã chuyển sang giai đoạn mới kể từ giữa năm 2022". "Chúng ta đang tiến gần đến thời điểm mà các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed, ngừng tăng lãi suất."
Trong khi Ngân hàng Commonwealth đã dự báo rằng đồng USD sẽ đạt đỉnh trong quý đầu tiên của năm 2023, ông Dhar nói rằng dự đoán đó đang được kiểm tra độ chính xác do chỉ số USD giảm trong tháng qua.
Ngân hàng này sau đó đã thừa nhận rằng họ nhận thấy rủi ro tăng giá đối với dự báo ban đầu của mình đối với kim loại quý, và nhận định khoảng giá trong năm 2023 sẽ từ 1600 đến 1700 USD.
Quan điểm hiện tại của Ngân hàng Commonwealth về đồng USD và lợi suất thực trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cho thấy rằng vàng tương lai sẽ giao dịch trong khoảng từ 1750 USD đến 1850 USD/ounce. Tuy nhiên, ông Dhar cho biết nếu có quan điểm cho rằng USD đã đạt đỉnh, thì phạm vi đó sẽ tăng cao hơn từ 1800 USD đến 1900 USD.
Giá sẽ trở lại mức trên 2000 USD
Bank of America tin rằng giá vàng sẽ chạm đáy vào đầu năm 2023 trước khi đạt mức trung bình 2000 USD/ounce trong quý 3 và quý 4 do Cục Dự trữ Liên bang giảm nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của Bank of America, cho biết: "Những cơn gió ngược hiện tại (đối với giá vàng) khó có thể giảm bớt cho đến khi Fed trở nên bớt tích cực hơn trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ".
"Mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ rất có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng tốc độ tăng lãi suất sẽ bắt đầu chậm lại. Sự xoay trục này có thể sẽ đưa các nhà đầu tư mới vào thị trường", ông Blanch nói.
Bank of America cũng chỉ ra nhu cầu vàng tăng lên từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, vốn đã mua 399 tấn kim loại quý trong quý 3/2022, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Con số này tăng 341% so với cùng kỳ năm trước đó và đánh dấu mức kỷ lục hàng quý.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iraq, Uzbekistan và Qatar nằm trong số những ngân hàng trung ương mua nhiều nhất trong giai đoạn đó, với lý do mà ANZ chỉ ra rằng đồng nội tệ mất giá, vỡ nợ và tình hình địa chính trị xấu đi.
Hiện thị trường đang đặt cược vào triển vọng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, bất chấp tình hình lợi suất trái phiếu tăng.
Vai trò của các quỹ đầu tư
Mặc dù ủng hộ giá vàng, Bank of America (BOA) cho biết việc mua từ các cơ quan tiền tệ không đủ để thúc đẩy một đợt tăng giá.
BOA lưu ý rằng vàng luôn được thúc đẩy bởi nhu cầu của nhà đầu tư, vốn đã yếu đi rõ rệt trong sáu tháng qua khi các nhà giao dịch thanh lý vị thế do lãi suất tăng và đồng USD mạnh hơn.
Theo ING, lượng vàng nắm giữ của các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) đã trải qua tháng thứ sáu liên tiếp giảm trong tháng 10, ở mức 3490 tấn, tương đương 184 tỷ USD, vào cuối tháng.
Trong quý 3/2022, nhu cầu đầu tư vàng giảm 47% so với cùng kỳ năm trước đó do các nhà đầu tư ETF phản ứng với lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh lên.
Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa của ING, cho biết: "Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng mạnh hơn, nhưng xu hướng giá vàng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư, vốn có triển vọng ít mang tính xây dựng hơn trong ngắn hạn".
Tuy nhiên, về lĩnh vực này, Vandana Bharti, trợ lý phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa của SMC Global Securities, cho biết đầu tư vào các quỹ ETF vàng có thể cải thiện vào năm 2023 sau khi dòng tiền chảy ra ồ ạt trong năm 2022.
Ngân hàng ING dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong chu kỳ thắt chặt của Fed nhưng cho biết bất kỳ gợi ý nào từ ngân hàng trung ương Mỹ về việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ bắt đầu hỗ trợ giá.
Để điều này xảy ra, ING tin rằng Fed sẽ cần thấy các dấu hiệu lạm phát giảm đáng kể.
Các nhà kinh tế của ING dự báo lạm phát của Mỹ sẽ giảm mạnh trong năm 2023, mở ra khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2023.
Theo giả định đó, ING dự báo giá vàng trung bình năm 2023 sẽ tăng cao hơn năm 2022 và đạt 1850 USD/ounce vào quý 4 năm 2023.
Tham khảo: Refinitiv, Cnbc