Nhiều chợ nổi tiếng ở Hà Nội ế khách, tiểu thương bỏ sạp
Chuyển đổi thiếu hợp lý, nhiều khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội trước kia như chợ Hàng Da, chợ Mơ... đặt trong trung tâm thương mại trở nên ế khách.
Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 7 công trình chợ - trung tâm thương mại đã đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, mô hình này không đem lại hiệu quả như mong đợi. Một số khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội trước kia như chợ Hàng Da, chợ Mơ, hay chợ 19/12 đặt trong trung tâm thương mại lại trở nên ế khách. Chuyển đổi thiếu hợp lý và sắp xếp các gian hàng không thuận lợi được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người bán thì có, kẻ mua thì gặp khó tại những ngôi chợ này.
Buôn bán tại chợ Hàng Da đã vài chục năm, trước đây, khi chợ chưa được chuyển đổi mỗi ngày bà Dung bán cả tạ thịt lợn tươi, nhưng đến nay con số này chỉ bằng 1/10.
"Nhìn quanh làm gì có người đâu, thỉnh thoảng mới có người. Xuống bậc, mất tiền gửi xe, làm gì có ai vào. Không bán được tiểu thương người ta tự bỏ sạp", bà Hồng Thị Dung, tiểu thương chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.
Chợ nằm dưới hầm nên khách vào chợ phải gửi xe, leo thang bộ, tìm kiếm gian hàng mất thời gian. Không chỉ các tiểu thương, mà chính Ban quản lý chợ cũng thừa nhận, việc thiết kế chợ chưa phù hợp là nguyên nhân chính của tình trạng ế ẩm.
Chợ Hàng Da nằm dưới hầm nên khách vào chợ phải gửi xe, leo thang bộ, tìm kiếm gian hàng mất thời gian. (Ảnh: Dân trí)
Thông thường tại một khu chợ, những khu bán thực phẩm tươi sống phải rất đông khách, nhưng ở đây, thay vì cảnh tấp nập thường thấy là một khung cảnh ảm đạm, nhiều quầy hàng dán tem niêm phong, thậm chí phủ bạt, không mở cửa. Các tiểu thương chia sẻ nguyên nhân là do không có khách đến mua hàng.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều của chợ cóc, chợ tự phát xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Do vậy, tại các chợ - trung tâm thương mại, hình ảnh quầy đóng cửa, rao bán ngày càng nhiều.
Việc cải tạo chợ truyền thống vốn là điều cấp thiết, tuy nhiên cần một cách làm bài bản và phù hợp. Chợ hiện đại nhưng cũng phải gần gũi, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người mua và người bán.
"Những người gắn với lợi ích của họ, đó là các tiểu thương, được đóng góp. Khi xây xong cần có khảo sát sự hài lòng", KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định.
Khi triển khai xây dựng, các dự án chợ - trung tâm thương mại được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của đại đa số người dân, nhưng thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu của một chợ dân sinh, cũng không đáp ứng vai trò là trung tâm thương mại - nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp.