Nhà đầu tư kì cựu “ủ mưu” với bất động sản cuối năm?
Dự báo sẽ có đợt “xả hàng” BĐS mạnh vào thời điểm cuối năm nay. Nhiều nhà đầu tư có dòng tài chính mạnh trong tâm thế chờ đợi.
Dù đã “ngắm nghía” được BĐS yêu thích và có giá tốt nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn cố chờ thêm, để mua được với giá giảm sâu hơn nữa. Đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS.
Anh V cùng nhóm bạn đầu tư có sẵn hơn chục tỉ đồng để “săn” BĐS cuối năm. Hiện một số BĐS đã nằm trong danh mục của nhóm đầu tư này nhưng họ lại chưa quyết định xuống tiền. Khi được hỏi không sợ mất cơ hội?, anh V cho hay: Có thể cuối năm sẽ có đợt “xả hàng” “xả giá” tốt hơn. Vì thế, cứ đợi thêm một thời gian để có được mức giá tốt. “Hiện, BĐS nói là giảm giá nhưng thực chất nhiều BĐS vị trí đẹp nhà đầu tư chỉ mới cắt lãi chứ chưa hoàn toàn giảm giá nhiều. Vì thế, để mua được BĐS giá thực sự tốt ở thời điểm này cũng không phải dễ”, anh V cho hay.
Với số tài chính sẵn có, nhóm nhà đầu tư này “ủ mưu” sẽ đón đầu các BĐS vị trí đẹp của những nhà đầu tư ngộp tài chính, cần dòng tiền để giải quyết công việc cuối năm. Họ vẫn âm thầm nghe ngóng, theo dõi thị trường.
Cũng trong tâm thế chờ hàng giá thật tốt mới xuống tiền, anh Ngọc (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đang có sẵn hơn 7 tỉ để mua BĐS “ngộp”. Vào tháng 7/2022, vợ chồng anh mua mảnh đất hơn 2 tỉ tại Đồng Nai, thấp hơn giá thị trường khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo cách chia sẻ của anh Ngọc, mức giảm vậy còn ít. Nếu chờ được đến cuối năm, có thể mức giảm lên đến 30-40%. Vì thế, “rút kinh nghiệm” xuống tiền hơi sớm, anh Ngọc trong trạng thái chờ đợi thêm để kiếm được BĐS thực sự giảm sâu.
“Không phải tất cả nhưng càng về cuối năm, áp lực tài chính có thể càng tăng với các nhà đầu tư vay ngân hàng, hoặc sản xuất kinh doanh gặp khó. Vì thế, tôi sẽ đợi thêm một thời gian. Dĩ nhiên, việc xuống tiền chỉ trong năm nay hoặc đầu năm sau, chứ kéo dài thì có thể cơ hội lại không còn”, anh Ngọc tiết lộ.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư có sản phẩm nhưng rao bán chưa ai mua cũng “ủ mưu” với BĐS cuối năm. Khi chuẩn bị được dòng tài chính cơ bản để “gồng” BĐS, thì các nhà đầu tư này lại kì vọng cuối năm có thể giữ được giá, hoặc rao bán chênh nhẹ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kì vọng cá nhân của các nhà đầu tư khi cho rằng, cuối năm 2022 hoặc quý 1/2023 room tín dụng có thể dễ thở hơn.
Một số nhóm nhà đầu tư vẫn đang trong tình trạng “cố gồng” để giữ tài sản ít nhất là hết năm 2023 với kì vọng một chu kì BĐS mới trở lại. Có một thực tế, hiện tình trạng nhà đầu bán tháo, bán lỗ BĐS tăng lên nhưng chưa hoàn toàn đại diện cho toàn thị trường. Theo các môi giới, trong số các nhà đầu tư rao bán lỗ, bán gấp thực tế là bán cắt lãi. Còn đa phần là lỗ với mức từ 50-200 triệu đồng, rất ít trường hợp lỗ sâu từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Điều này cũng chứng minh rằng, sức gồng của các nhà đầu tư vẫn khá tốt. Tình trạng của thị trường hiện nay cũng khác với giai đoạn 2011-2013 khi mà nhà đầu tư phải bán tháo sản phẩm đồng loạt với mức giảm từ 30-60%.
“Hiện nay nhà đầu tư đã có kinh nghiệm khi trải qua các đợt lên- xuống của thị trường BĐS nên đều khá thận trọng dòng tiền. Họ không “liều mạng” như trước kia. Mua bán đều cân nhắc và có dòng tiền dự trữ để bù vào lúc thị trường khó khăn”, một môi giới lâu năm trong nghề chia sẻ.
Ngay cả việc các nhà đầu tư kì cựu, có dòng tài chính tốt họ cũng khá thận trọng. Những nhà đầu tư này không mua ồ ạt như trước đây. Họ liên tục trong trạng thái nghe ngóng và phân tích kỹ các yếu tốt thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô. Vì thế, các sản phẩm thực sự tốt về tiềm năng, giá, vị trí… mới nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư này.