Người mua nhà xoay sở với lãi suất tăng
Lãi suất tăng khiến nhiều người vay mua nhà chật vật tìm cách cân đối dòng tiền trả nợ. Một số cho thuê lại căn nhà trong khi số khác cắt giảm chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Lãi suất vay mua nhà tăng
Theo báo cáo "Thị trường Bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2022" của Datxanh Services, trong quý 2/2022 lãi suất cho vay và huy động vốn đều tăng. Cụ thể, lãi suất cho vay của một số ngân hàng được điều chỉnh tăng như VPBank (0,4%), TPBank (1,7%), MB (1,8%), Vietcombank (0,8%), Oceanbank (0,71%), OCB (0,81%). Các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered cũng tăng nhẹ 0,2%
Một chuyên gia từ Datxanh Services cho biết, mặc dù lãi suất đi lên, song nếu so với những thời điểm căng thẳng của ngành bất động sản trong quá khứ thì mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang khá thấp. Ví dụ như giai đoạn năm 2011-2012 mức lãi suất đi vay để mua nhà là khoảng 18-20%, còn hiện nay, lãi suất chỉ bằng một nửa tức khoảng 8 - 10%. Chi phí tín dụng này không quá cao để có thể gây ảnh hưởng lớn cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Còn theo các khảo sát mới nhất của chúng tôi vào đầu tháng 7, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đã được các ngân hàng tăng lên khoảng 1-2%/năm.
Tại khối các ngân hàng nước ngoài, vốn được mệnh danh là lãi suất thấp nhất thị trường cũng đã có dấu hiệu tăng lãi suất. Cụ thể, Shinhan Bank Shinhan Bank điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà cố định 1 năm vay đầu tiên từ 6,2%/năm lên 8,2%/năm; cố định lãi suất vay 36 tháng lên 8,9%/năm thay vì mức 7,6%/năm; lãi suất cho vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm thay vì 7,8%/năm. UOB đã tăng lãi suất cho vay mua nhà từ mức 6,49%/năm trong tháng trước lên mức 7,69%/năm trong tháng này.
Về phần khối ngân hàng trong nước, VIB đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất lên mức 8,7%/năm cho các khoản vay với mục đích mua nhà. Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất hiện nay là từ 4,99%/năm, được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. Hay như ngân hàng PVcomBank cũng cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian trên, lãi suất phải trả là 12%/năm.
Lãi suất vay mua áp dụng cho năm đầu tiên tham khảo tại TPBank là 5,9%/năm, BIDV (6,2%/năm),Techcombank (6,69%/năm), OCB (6,99%/năm), SCB (7,9%/năm),…Các kỳ sau áp dụng lãi suất thả nổi.
Người đi vay tìm cách ứng phó
Anh Trần Thanh Tài (27 tuổi), độc thân, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, thu nhập ròng hằng tháng khoảng 15 triệu chia sẻ, anh hiện đang có khoản vay 1 tỷ để mua một căn hộ ở Bình Dương. Gói vay của Tài đã hết thời gian ân hạn và đang phải trả theo lãi suất thị trường. Anh vẫn lạc quan về việc có thể đảm bảo trả lãi khoản vay nhờ chiến lược "mỡ nó rán nó".
"Mình vừa chuyển sang ở ký túc xá của công ty và cho thuê toàn bộ căn hộ. Mỗi tháng chi phí thuê không chỉ đủ để trả lãi vay mà còn có thể bù đắp cả phần nào nợ gốc. Đầu năm nay thì lãi suất gói vay của mình đã khoảng 12%. Nếu mức lãi suất khoảng 15% thì có thể mình sẽ phải tính toán lại. Tuy nhiên, mình vẫn chưa quá lo lắng về tình hình sắp tới vì đã chuẩn bị trước các khoản dự phòng", anh Tài chia sẻ.
Chị Nguyễn Thanh Tú (27 tuổi) và anh Võ Duy Khiêm (31 tuổi), một cặp vợ chồng tại TPHCM cho biết, anh chị hiện đang có vay khoảng 1,2 tỷ để mua một căn hộ tại TP.HCM, lãi suất đã bước vào thời kỳ thả nổi. Thời gian qua lãi suất đi vay tăng cũng khiến anh chị phải cắt giảm chi tiêu hàng ngày khi thu nhập gia đình không có nhiều thay đổi.
Không chỉ lãi suất, các chi phí sinh hoạt thời gian vừa qua cũng đã ghi nhận một đà tăng giá mạnh khiến cho gia đình này thêm phần áp lực. Trước tình hình đó, anh chị đã phải cân đối lại các khoản thu chi của mình, tập trung cắt giảm những chi phí không cấp thiết như du lịch, giải trí.
Căn hộ của anh chị có đến 2 phòng ngủ, và lại nằm gần khu vực các trường đại học, nên được rất nhiều người hỏi thuê, song anh chị lại không đồng ý với ý kiến này. Anh Khiêm chia sẻ "Quyết định mua nhà xuất phát từ mong muốn có được sự tự do và riêng tư của 2 vợ chồng cũng như cho bé được thoải mái hơn. Vì thế mình sẽ không chia phòng để cho thuê. Sau dịch bệnh thì ai cũng khó khăn, mình cũng đành phải xoay sở, hy vọng là sau một thời gian thì tình hình cũng sẽ ổn hơn"
Anh chị cho biết các bữa ăn hàng ngày của gia đình đã chuyển dịch theo hướng "có nhiều màu xanh hơn", thịt kho thì có thêm đậu hũ, các bữa ăn nhà hàng cũng được tiết chế hơn, các hoạt động vui chơi xem phim cuối tuần tại trung tâm thương mại thì được chuyển sang thời gian bố mẹ vui chơi với các con tại nhà hay tại công viên. Ngay cả việc đi lại, bình thường anh chị di chuyển bằng ô tô thì nay chuyển sang di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên, tiết kiệm không phải luôn luôn là cách hay, anh chị quyết định mang một số nông sản ở quê lên bán để gia tăng thu nhập.
Theo các chuyên gia, tài chính gia đình có thể chia làm 3 khoản: (1) Chi tiêu thiết yếu, (2) Chi linh hoạt, (3) Tiết kiệm và đầu tư. Đối với khoản vay mua nhà, có thể sử dụng tiền từ khoản tiết kiệm/đầu tư. Tuy nhiên, không nên tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong quỹ này cho việc mua nhà mà nên dành lại 3-6 tháng cho quỹ khẩn cấp nhằm dự phòng các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, nếu nhờ được sự hỗ trợ hay giúp đỡ từ phụ huynh và gia đình thì đừng ngại nhờ cậy. Trong tình huống lãi suất cao, có thể cân nhắc tiết giảm các khoảng chi phí không cần thiết, tập trung vào một tiêu tăng trưởng tài sản bền vững.