Lăng kính chứng khoán 27/11: Nên xuống tiền cổ phiếu ngành nào?
Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép tạm thời qua đi, sắp tới là giai đoạn ghi nhận hồi phục. Điều này có thể sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu này.
Thị trường trải qua tuần giao dịch rung lắc mạnh với biên độ lớn. Sau 3 phiên tăng liên tiếp đầu tuần, đà giảm mạnh trong phiên 23/11 khiến VN-Index đánh mất mốc 1.100 điểm. Nỗ lực kéo điểm trong phiên cuối tuần cũng không đủ để chỉ số chính lấy lại mốc 1.100 điểm.
Kết tuần 20 - 24/11, chỉ số VN-Index giảm 5,58 điểm, tương đương 0,51% so với cuối tuần trước xuống 1.095,6 điểm. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 18.898 tỷ đồng, giảm 11% so với tuần trước.
Trong bối cảnh thị trường trồi sụt mạnh, khối ngoại tiếp tục bán ròng, điểm tích cực là giá trị bán ròng có phần thu hẹp so với tuần trước. Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng giá trị 910 tỷ đồng, giảm 32% so với tuần trước đó.
Trong ngắn hạn, Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Agriseco và ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam đều cho rằng chưa nên giải ngân khi rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Người Đưa Tin (NĐT): Thị trường trải qua tuần giao dịch đầy biến động, thậm chí có những cú “quay xe” trong đợt khớp lệnh ATC. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến tuần vừa rồi?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Về bản chất, phiên khớp lệnh định kỳ ATC được tạo ra để hạn chế việc một vài cá nhân/tổ chức tác động đến giá đóng cửa của thị trường một cách dễ dàng thông qua việc hoãn khớp lệnh liên tục và cho phép cộng dồn các lệnh mua/bán với giá thị trường trong 15 phút giao dịch cuối ngày.
Chính vì vậy, việc ATC xảy ra nhiều biến động mạnh không hẳn là một yếu tố bất thường. Theo tôi, nhà đầu tư nên hiểu rằng đó là tính chất vốn có của thị trường chứng khoán.
Biến động thị trường tuần qua xoay quanh việc VN - Index kiểm định lại cung cầu tại hai ngưỡng hỗ trợ/kháng cự là MA200 và MA20. Mặc dù có phiên rút chân hồi phục cuối tuần, tuy nhiên khả năng để trở lại với nhịp tăng ngay trong tuần sau là rất thấp, nhất là khi thị trường có dấu hiệu phá vỡ vùng nền 1.080 điểm sau khi liên tục không bứt phá được vùng kháng cự 1.120 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh: Thời gian gần đây, thị trường thường thay đổi đột ngột trong những phút cuối, đặc biệt là trong phiên ATC và gây bất ngờ khiến nhà đầu tư bị động trong phiên ATC.
Nhìn chung, các hiện tượng này xảy ra nhiều lần cũng sẽ khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc giao dịch và từ đó dễ dẫn đến thanh khoản của thị trường ở mức thấp trong những phiên sau đó.
Phiên cuối tuần vừa rồi xuất hiện hiện tượng “tượng xanh vỏ đỏ lòng”, tuy nhiên tôi cho rằng không quá tiêu cực vì dòng tiền cũng có mức lan tỏa cao, đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường và dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu này.
NĐT: Ông hãy cho biết những thông tin đáng chú ý trong tuần tới và định hướng hành động cho nhà đầu tư vào thời điểm này là gì, theo ông?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, thị trường có thể xuất hiện các nhịp đi ngang sau đó kéo xả biên độ lớn quanh các vùng hỗ trợ/kháng cự có thể là kịch bản lặp lại trong giai đoạn ngắn tới.
Trong tuần cuối cùng của tháng 11, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tạo được cân bằng tại vùng giá hiện tại nên có thể dòng tiền sẽ cần chờ đợi thêm.
Ngược lại, các nhịp rung lắc, điều chỉnh giảm giá cũng chính là cơ hội cho dòng tiền mới gia nhập thị trường ở một mức giá hợp lý hơn và rũ bỏ các nhà đầu tư tâm lý yếu, nhất là trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang có sáng tối đan xen như thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư có thể thực hiện đánh giá tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tiếp theo. Từ đó đưa ra triển vọng định giá một cách hợp lý hơn và lựa chọn cơ hội đầu tư một cách chọn lọc hơn khi thị trường đang dần phân hóa
Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng nhà đầu tư chưa nên tăng thêm tỉ trọng cổ phiếu khi rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng trở lại. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi xu hướng ngắn hạn của hai nhóm cổ phiếu này vẫn đang tích cực.
Trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn có thể sẽ còn thận trọng với chính sách tiền tệ của Fed và đà hồi phục của nền kinh tế trong cuối năm 2023, cũng như các câu chuyện căng thẳng địa chính trị.
Dù vậy, kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục và chính sách của Fed đang ở cuối chu kỳ thắt chặt chính tiền tệ trong năm 2024 cho nên chứng khoán vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
NĐT: Theo ông, nhóm ngành nào sẽ là “trợ lực” cho thị trường trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Rất khó để dự báo về sức bật giai đoạn tới của từng ngành, tuy nhiên có thể nhận định giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã tạm thời qua đi và sắp tới chính là giai đoạn ghi nhận hồi phục.
Giá thép tăng trở lại trong khi tồn kho giá thấp vẫn còn và mức nền so sánh thấp của năm 2022 sẽ là bàn đạp để kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2023 tốt hơn. Kỳ vọng trong năm sau, đầu tư công tiếp tục sẽ là động lực để ngành thép tiếp tục tăng trưởng.
Ông Nguyễn Thế Minh: Theo quan sát của tôi, giá thép đã có dấu hiệu hồi phục khi bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc trở lại trong năm 2024 và việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc cũng như Việt Nam.
Cá nhân tôi kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới và điều này có thể sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu này. Động lực chính cho nhóm cổ phiếu này trong năm 2024 vẫn là đẩy mạnh đầu tư công và thanh khoản thị trường bất động sản hồi phục trong nửa cuối năm 2024.