Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, đâu là nguyên nhân?
Lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 năm qua.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 4,59%/năm trong phiên giao dịch 3/4 – mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 5/2023.
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã có 5 phiên tăng mạnh liên tiếp, từ mức 0,28% ghi nhận vào ngày 28/3 lên 4,59% trong phiên 3/4, tức tăng lên gấp gần 15 lần chỉ trong vòng 1 tuần.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dư thừa trong bối cảnh NHNN đã hút về lượng lớn thanh khoản qua kênh tín phiếu và nhu cầu cân đối gia tăng vào dịp cao điểm cuối quý I, đầu quý II.
Không chỉ thể hiện qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản của hệ thống cũng phát tín hiệu thắt chặt hơn khi trong những phiên giao dịch cuối tháng 3 và đầu tháng 4, số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu của NHNN cũng như khối lượng trúng thầu đều đã giảm mạnh, chỉ lác đác vài thành viên tham gia và trúng thầu. Đồng thời, trong hai phiên giao dịch 2/4 và 3/4, đã xuất hiện ngân hàng cần đến nguồn hỗ trợ thanh khoản của Nhà điều hành qua kênh vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO).
Theo giới phân tích, việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh và các ngân hàng không mặn mà với hoạt đồng chào thầu tín phiếu của NHNN cho thấy phần thặng dư thanh khoản có vẻ đã giảm đi đáng kể sau hơn 3 tuần hút thanh khoản liên tiếp. Tuy nhiên, xu hướng trên cũng có một phần đến từ yếu tố mùa vụ, khi các ngân hàng cân đối thanh khoản vào cuối quý I và tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại.
Số liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%) sau 2 tháng liên tiếp duy trì ở mức âm.
Ở một phương diện khác, xu hướng tăng của lãi suất liên ngân hàng cũng được coi là hệ quả cũng như định hướng điều hành của NHNN. Theo đó, sau khi đã hút về khoảng 172.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, Nhà điều hành vẫn tiếp tục duy trì các đợt chào thầu mới với lãi suất trúng thầu tăng dần. Điều này được đánh giá như một biện pháp nhằm tái kiểm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng khi sử dụng lãi suất trúng thầu tín phiếu như một mức lãi suất sàn cho các giao dịch trên thị trường 2, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Từ đầu tuần tới (8/4), các lô tín phiếu 28 ngày được phát hành đầu tiên trong đợt vừa qua sẽ bắt đầu đáo hạn, đồng nghĩa NHNN sẽ bơm trả hệ thống ngân hàng lượng lớn thanh khoản đã hút về từ trung tuần tháng 3. Diễn biến này đi cùng kênh cho cho vay OMO vẫn luôn được NHNN duy trì sẽ giúp thanh khoản hệ thống sẽ không quá căng cứng và lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sớm hạ nhiệt khi giai đoạn cao điểm cuối quý I đi qua.
Tuy nhiên, với việc tỷ giá vẫn đang tăng nóng, Nhà điều hành nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì kênh phát hành tín phiếu trong thời gian tới. Điều này đi cùng nhu cầu tín dụng gia tăng vào quý II sẽ khiến lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong thời gian tới, NHNN sẽ sử dụng linh hoạt công cụ Mua kỳ hạn (OMO) và Tín phiếu trên thị trường mở. Mua kỳ hạn có thể được sẽ dụng nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn, và vẫn sẽ mang tính định hướng, truyền tải thông điệp điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, Tín phiếu vẫn sẽ được phối hợp sử dụng, đặc biệt khi khối lượng gọi thầu trước đó sẽ dần đáo hạn vào tuần thứ hai của tháng 4.
"Động thái điều hành của NHNN trên thị trường mở, nhằm giảm áp lực tỷ giá cũng sẽ không gây ra những thay đổi quá nhanh về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng; thay vào đó, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn đang được ưu tiên", VCBS nhận định.