Kịch bản dòng tiền cá nhân quay lại thị trường bất động sản
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, kịch bản nào để dòng tiền cá nhân quay trở lại thị trường bất động sản?
Cú sốc sau tăng trưởng “nóng”
Giai đoạn nửa đầu năm 2022 trở về trước, thị trường bất động sản liên tiếp trong nhiều năm tăng trưởng “nóng", duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Trong khoảng thời gian này, bất động sản tại một số địa phương bị “thổi giá” tăng phi mã, gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư thực tế, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ tại Việt Nam trong khoảng thời gian này có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 - 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Việc dòng tiền “dễ" đi vào thị trường đẩy giá một số tài sản, kênh đầu tư tăng trưởng khá mạnh trong đó có bất động sản.
Tuy nhiên, từ nửa sau năm 2022, việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi mà doanh nghiệp sẽ hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh do lo ngại rủi ro lãi suất. Sức cầu trong nền kinh tế cũng có thể tăng chậm hơn trong môi trường cung tiền thắt chặt và lãi suất cao hơn.
Với mảng kinh doanh bất động sản, cho dù đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát ngôn là cơ quan này không có chủ trương siết tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tháng cuối năm 2022, dòng tiền của doanh nghiệp đã suy giảm mạnh, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn...
Về lĩnh vực bất động sản, trong quý 1/2023, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới giảm mạnh 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1/2023, có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động trong quý 1/2023 chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Có thể thấy, thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái trầm lắng. Nguồn cung ra thị trường chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Bên cạnh đó, giá đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị thực, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Đáng nói là lượng giao dịch bất động sản èo uột, các nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái nín thở "chờ thời" và giai đoạn này tiền gửi ngân hàng là sự lựa chọn an toàn với nhà đầu tư.
Con số thống kê cho thấy, chỉ tính trong năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng (lượng tiền gửi trong quý 4/2022 chiếm tỷ trọng 46%). Trong số gần 900.000 tỷ đồng lượng tiền gửi ròng cả năm qua, cá nhân đóng góp hơn 565.000 tỷ đồng (chiếm 65%).
Sẽ phụ thuộc vào thị trường “ấm” lên, lãi suất huy động giảm?
Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại. Dự báo đến hết quý 2/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc.
Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có hai đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động.
Hiện nay, đã có tín hiệu nguồn tiền quay trở lại, lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, khách hàng đã tiếp cận được khoản vay mới với lãi suất 10-11%. Tuy nhiên, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng. Bởi vì, 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Theo TS. Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, quý 3/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Và đây cũng sẽ là thời điểm quyết định, dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Theo đó, có hai kịch bản xảy ra. Với kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. Ở kịch bản thứ hai, nếu thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm nay hoặc thậm chí là không giảm, thì nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản.
Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát của một sàn giao dịch bất động sản (hội viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam) tại Quảng Ninh đối với nhóm khách hàng thân thiết cũng cho thấy, với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 6-12 tháng dự kiến sẽ đáo hạn vào quý 3, 4/2023, nếu lãi suất huy động giảm, họ sẽ mang khoản tiền đáo hạn đầu tư vào các kênh lợi nhuận cao hơn kênh gửi truyền thống. Trong đó, nhóm này sẽ ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm, trong khi lãi suất đã “hạ nhiệt”, room tín dụng đã mở. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định “xuống tiền”. Bởi, thị trường bất động sản ở quý 1/2023 đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ.