Giá tôm thương phẩm ở Bà Rịa-Vũng Tàu giảm mạnh
Giá tôm thương phẩm ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có giá 120 nghìn đồng/kg, giảm hơn 50 - 60 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu năm, cộng với thời tiết nuôi không mấy thuận lợi càng làm cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn.
Do giá tôm rớt xuống thấp nên Hợp tác xã Chợ Bến đã tạm ngưng xuất lứa tôm thương phẩm để chờ giá tăng.
Theo các hộ nuôi tôm thương phẩm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá tôm thương phẩm liên tục lao dốc, việc nuôi tôm trước đó gặp thời tiết nắng nóng gay gắt, hiện lại đang vào mùa mưa nên tôm dễ bị bệnh, chậm lớn, chi phí nuôi vì thế lại càng tăng cao, giá bán lại thấp khiến nhiều người nuôi thua lỗ, đã có hộ phải “treo ao” ngừng nuôi.
Ông Lê Trọng Nghĩa, ngụ xã Lộc An, huyện Đất Đỏ có 14 ao nuôi tôm trên diện tích gần 5 ha cho biết, thời gian qua giá tôm giảm mạnh, thời tiết lại không được thuận lợi khiến tôm nuôi chậm lớn, chi phí tăng cao, hao hụt nhiều khiến người nuôi thua lỗ nên ông Nghĩa quyết định nghỉ nuôi một thời gian, chờ giá ổn định sẽ nuôi lại.
Theo các hộ nuôi tôm, hiện giá bán tôm thương phẩm là 120 nghìn đồng/kg (loại size 35 con/kg), thế nhưng chi phí mà người nuôi bỏ ra cũng là 120 nghìn đồng/kg, nên với giá bán hiện nay người nuôi không có lời mà hòa vốn, nếu giá giảm nữa người nuôi sẽ lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Chợ Bến, ngụ xã An Ngãi, huyện Long Điền cũng cho biết, mặc dù đã đến kỳ thu hoạch tôm nhưng do giá bán quá thấp nên hợp tác xã vẫn để thêm 10 - 15 ngày nữ mới thu, với hy vọng giá tôm lên cao hơn.
Không chỉ các hộ nuôi và hợp tác xã bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, từ năm 2023 đến nay giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá cước tàu biển lại tăng đột biến từ 40-60%, nên năm nay công ty đã ngừng xuất khẩu tôm.
Hiện nay, mặc dù là cơ sở nuôi ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, tuy nhiên để ứng phó với thời tiết bất lợi, giảm chi phí, hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa đã phải chuyển từ nuôi mật độ dày sang thưa để bảo đảm an toàn dịch bệnh và có ao ương giống riêng để giảm thời gian nuôi từ 3 tháng xuống 2 tháng/vụ. Thời gian nuôi ngắn hơn, mật độ nuôi thưa giúp tôm mau lớn, nhanh được thu hoạch cũng giúp hợp tác xã chủ động hơn trong việc giảm lỗ khi giá bán giảm hoặc tăng cường nuôi khi giá bán cao.
“Số vụ nuôi trong năm cũng tăng từ 3 lên 5 vụ nhằm bù đắp sản lượng tôm bị giảm do nuôi mật độ thưa. Với sự chuyển đổi như thế, tôi kỳ vọng thị trường 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn, nhất là vào quý 4, khi các nước tăng lượng tôm mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm”, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là 2.895 ha, tổng sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt 4.100 tấn, tương đương cùng kỳ; trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm gần 80%. Hàng tháng, Sở đều thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cho bà con đối với các chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép, cũng như hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, định hướng nuôi trồng thủy sản.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng hơn 429 ha (tăng 17,15 ha so với năm trước); trong đó, có 21 cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 417,31 ha.