'Thắt lưng, buộc bụng' vì giá cước vận tải
Đang dần hồi phục sau khi có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) lại gặp khó bởi giá cước vận chuyển tăng cao. Để giữ đối tác, nhiều DN chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”, giảm lợi nhuận để nhà máy luôn sáng đèn.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện nhiều DN tại tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay các ngành chủ lực như dệt may, gỗ… đang trên đà phục hồi tốt. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, các hãng tàu liên tục điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển đường biển khiến DN gặp khó.
Cụ thể, các DN đều xuất khẩu theo hướng trọn gói (DN chỉ vận chuyển hàng đến cảng) song cước vận tải đường biển “leo thang”, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Trong khi đó, nhiều đơn hàng DN đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài từ đầu năm nên không thể điều chỉnh giá bán. Ngoài giá cước tăng, DN còn có thêm nỗi lo là thời gian vận chuyển kéo dài hơn trước.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép, cơ khí xây dựng Nhật Nam (Bình Dương), cho biết: “Chúng tôi đã cho công nhân tăng ca hết tiêu chuẩn để có thể đáp ứng được thời hạn giao hàng. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là cước vận tải đường biển đang tăng từng tuần và chưa có dấu hiệu dừng lại”.
Theo ông Nhật, đơn hàng giao cho khách vẫn phải tuân thủ giá trên hợp đồng đã ký từ trước. Trước mắt, DN chưa đề cập đến chuyện tăng giá và đang chấp nhận giảm lợi nhuận , bù chi phí để giữ khách hàng cũng như tăng lượng hàng cung ứng. Về lâu dài, DN tiếp cận thêm nhiều thị trường khác gần hơn để xuất khẩu như thị trường ASEAN.
Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở tại Bình Dương (xin không nêu tên) cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6, cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Cứ mỗi container, DN phải bù 5.000 USD. Điều khiến DN lo lắng không chỉ phải bù lỗ. Để có tàu đưa hàng hóa đi cũng không dễ. Với những khó khăn như hiện nay, không có giải pháp nào khác ngoài việc tìm cách thương lượng với đối tác.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các DN, nhiều nguyên nhân khiến giá cước vận chuyển hàng hóa tăng liên tục trong thời gian qua, trong đó có cảnh tái diễn như đợt dịch COVID-19. Đó là việc tàu container xếp hàng ngoài khơi để chờ đến lượt cập bến. Các đội tàu container và tàu chở hàng rời đang nằm dồn ứ ngoài khơi bờ biển Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều cảng ở Tây Ban Nha và những nơi khác ở châu Âu cũng đang quá tải. Sự chuyển hướng của các tàu để tránh các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ đã gây ra tình trạng tắc nghẽn cảng và khiến cước vận tải biển tăng vọt khi mùa vận chuyển cao điểm sắp bắt đầu.
Theo các DN, tình trạng tắc nghẽn cảng có thể còn trầm trọng hơn trong những tháng vận chuyển cao điểm sắp tới. Theo nền tảng đặt chỗ vận tải biển Freightos, trong tuần kết thúc vào giữa tháng 6, giá cước vận chuyển trung bình trên toàn thế giới cho một container 40 feet đã chạm mức 4.119 USD. Mức này cao gấp 3 lần so với giá của tháng cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết việc tăng giá cước vận chuyển là tình hình chung. Hiện nay, các ngân hàng đã giảm lãi vay khoảng 0,5 - 1%/năm, áp dụng ở mức từ 6 - 9%/năm là chấp nhận được, tạo động lực cho DN. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 331.980 tỷ đồng, tăng 1,33% so với kỳ trước.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương Ngô Văn Mít cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do tỷ giá VND/USD tăng, dẫn đến chi phí nguyên vật liệu tăng, giá thành sản phẩm tăng, giá cước vận tải tàu biển tăng. Từ tháng 7/2022 đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương luôn dao động ở mức từ 2,6 - 2,8 tỷ USD/tháng (trước đó vào khoảng 3,4 tỷ USD/tháng).