Fintech: Làm gì để đáp ứng tài chính toàn diện?
Theo chuyên gia, để đạt mục tiêu tài chính toàn diện, lĩnh vực Fintech cần được mở rộng hơn nữa sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận người dùng thay vì chỉ nằm trong phạm vi thanh toán di động.
Đến nay, Fintech được xem như một động lực để thúc đẩy tài chính bao trùm trên toàn cầu. Theo Google báo cáo, có khoảng 1.000 mục tin tức về “Fintech và tài chính” trong 24 giờ qua và hơn 12.000 mục chỉ trong 7 ngày qua. Hoạt động mua bán và sáp nhập Fintech đạt mức cao mới là 348,5 tỷ USD vào năm 2021, trong khi đầu tư tư nhân vào Fintech cũng đạt mức cao đáng kể. Trong đó, các ngân hàng là một trong những người đóng vai trò chính thông qua các tổ chức liên doanh.
Tại Trung Quốc, vào năm 2018, 92% người dân ở các thành phố của Trung Quốc cho biết, họ sử dụng WeChat Pay hoặc Alipay làm phương tiện thanh toán chính. Chính phủ nước này đã cho phép phát triển cơ sở hạ tầng tài chính kỹ thuật số tiên tiến, nằm ngoài sự kiểm soát của bốn ngân hàng nhà nước lớn. Sau đó, sự ra mắt của đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số được xem là công cụ cuối cùng để đạt được tài chính số toàn diện.
Những xu hướng này dường như ngụ ý rằng, Fintech có thể giải quyết những lỗ hổng sâu sắc của châu Á trong tiếp cận tài chính. Đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực thanh toán, với 41% người châu Á có ví di động, cụ thể là 81% ở Indonesia, 68% ở Philippines và 84% ở Thái Lan, còn tại Hàn Quốc và Việt Nam lần lượt là 29,9% và 29,1%. Công ty thanh toán di động Boku dự báo châu Á sẽ có 2,6 tỷ người dùng ví di động vào năm 2025.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá, trong khi tỷ lệ thanh toán di động đang tăng lên, thì chỉ một nửa dân số Đông Nam Á có tài khoản ngân hàng. Có thể thực hiện thanh toán di động, không có nghĩa là người dùng có quyền truy cập vào các khoản tiết kiệm, các khoản vay và các sản phẩm tài chính khác vốn là xương sống của an ninh tài chính và tiến lên trên các nấc thang kinh tế cao hơn.
Do đó, sự chênh lệch lớn trong tiếp cận tài chính vẫn tồn tại. Một số người dùng tại Việt Nam chia sẻ, họ có thể thanh toán tại chợ, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ bằng điện thoại di động, có thể gửi tiền cho gia đình qua điện thoại di động. Nhưng lại không thể vay tiền để mua một chiếc xe, hoặc một ngôi nhà, hoặc tiết kiệm một cách thông minh bằng cách sử dụng các sản phẩm tài chính.
Như vậy để thấy rằng, Fintech đã giúp thanh toán dễ dàng hơn, nhưng triển vọng kinh tế của người dùng không có nhiều thay đổi. Mặc dù phải mất thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, nhưng các tổ chức tài chính trong khu vực hoàn toàn có khả năng để trở thành ngân hàng số - giúp những người chưa được tiếp cận không phải gánh chịu những rủi ro không đáng có.
Câu hỏi đặt ra là các tổ chức có thể bắt đầu như thế nào? Theo bà Pamela Mar, Phó Chủ tịch điều hành tại Fung Group, có một số giải pháp để cải thiện vấn đề này như:
Thứ nhất, cần cho phép truy cập kỹ thuật số vào các dịch vụ tài chính bắt đầu với kiến thức kỹ thuật số cơ bản. Ở châu Á, khoảng 64% dân số có quyền truy cập Internet, nhưng việc truy cập không đảm bảo rằng người dân có đủ sự hiểu biết về lĩnh vực này.
Các chính phủ châu Á nên tiếp tục xây dựng hạ tầng phần cứng, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo các kỹ năng mềm mang lại chất lượng và khả năng phổ cập kiến thức. Hệ thống giáo dục phải đảm bảo rằng, trẻ em rời trường học với các kỹ năng phù hợp với cuộc sống trong nền kinh tế kỹ thuật số. Các nhà máy, nhà kho và thậm chí các địa điểm xây dựng,... có thể là một phần của cơ sở hạ tầng để giáo dục người lao động về những kỹ năng này.
Thứ hai, khi sự thâm nhập của điện thoại thông minh tăng lên, việc học tập trên thiết bị di động dường như nằm trong tầm tay. Các nhà hoạch định chính sách có thể trợ cấp hoặc ưu đãi thuế để ngành giáo dục đạt được hiệu quả cao. Tiếp tục phát triển chuyên môn là một công cụ để thích ứng với thế giới nhiều biến đổi, tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận và hưởng lợi do nền kinh tế số tạo ra.
Thứ ba, các nền tảng tài chính cần giải quyết khả năng tương tác, bao gồm thanh toán xuyên biên giới và truyền dữ liệu, nhưng hiện tại, trọng tâm nên là giảm các rào cản gia nhập hệ thống, thông qua các điều kiện cấp phép và tuân thủ từ cơ quan quản lý.
“Tăng cường các sản phẩm dịch vụ tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kính tế tới 14% ở các thị trường mới nổi. Ngay cả một dự đoán thận trọng về một vài điểm phần trăm cũng đủ tạo ra tác động đáng kể, khi khu vực này phục hồi từ sau dịch bệnh COVID-19. Công nghệ chính là một phần thưởng rất rõ ràng sau sự thăng trầm của mọi tác động khách quan tới các nền kinh tế”, bà Pamela Mar cho biết.