Đưa trái vải sang Mỹ: Cần sớm có trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc
Việt Nam hiện có 2 cơ sở chiếu xạ quả tươi tại phía Nam được Mỹ công nhận. Còn miền Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ nào được công nhận. Đây là lý do mà nhiều năm nay doanh nghiệp xuất khẩu trái vải phải vận chuyển từ Bắc Giang và Hải Dương vào Nam để chiếu xạ theo yêu cầu của thị trường Mỹ Bắc Mỹ, từ đó gây tốn kém thời gian và chi phí.
Nhiều tiềm năng
Là một trong những cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, sản phẩm vải tươi nước ta đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng.
Theo thông tin dự báo của ngành nông nghiệp, niên vụ 2023, vải thiều ước đạt 330.000 tấn. Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu đến hiện tại đã chuẩn bị xong, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi.
Kim ngạch xuất khẩu trái vải trong vụ mùa năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-COVID, mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…
Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, chúng ta còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.
Sản lượng vải thiều ước đạt 330.000 tấn trong niên vụ 2023.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam còn rất nhiều thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ nhãn, vải nhưng đang gặp khó khăn về đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Việt Nam đã xuất khẩu được vải, nhãn sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta phải xử lý chiếu xạ, vấn đề bảo quản, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Không phải huyện nào, xã nào hay vùng trồng nào của các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, cũng đáp ứng được yêu cầu này.
Do đó, yêu cầu đặt ra là đối với những vùng trồng là đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đối với những thị trường mới, phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan như Bộ NN&PTNT, chuyên gia của Tổng cục Đo lường chất lượng. Với cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, có thể mời những chuyên gia phù hợp trong lĩnh vực về vệ sinh an toàn thực phẩm đến Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại, nông dân, các nhà xuất khẩu vải, nhãn.
Đối với những thị trường mà trái, vải chưa tiếp cận, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và những bộ phận liên quan khác sẽ phải làm việc tiếp tục với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để đàm phán, mở cửa thị trường ở nước đó để có thể xuất khẩu được chính ngạch.
Cần sớm lập trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, một vấn đề cần phải xử lý sớm và dứt điểm là việc chiếu xạ quả vải, quả nhãn ở miền Bắc. Việt Nam hiện có 2 cơ sở chiếu xạ quả tươi tại phía Nam được Mỹ công nhận. Trong khi đó, miền Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ nào được công nhận. Đây là lý do mà nhiều năm nay doanh nghiệp xuất khẩu trái vải phải vận chuyển từ Bắc Giang và Hải Dương vào Nam để chiếu xạ theo yêu cầu của thị trường Mỹ Bắc Mỹ. Việc này gây tốn kém chi phí vận tải, thời gian trong khi trái vải tươi có thời gian thu hoạch ngắn.
"Bộ NN&PTNT và những địa phương liên quan nên chăng cần nghĩ đến chuyện kêu gọi đầu tư hoặc thậm chí về phía Chính phủ cũng phải đầu tư trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc để phục vụ vùng trồng trái vải, nhãn lớn như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La. Qua đó giúp trái vải, nhãn đi xa hơn và phát triển bền vững hơn", ông Phú đề xuất.
Đối với thị trường lớn và truyền thống là Trung Quốc, ông Phú cho rằng, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở Trung Quốc cần kết nối sâu hơn nữa vào phía Bắc và phía Tây Trung Quốc để giới thiệu, quảng bá chất lượng, hình ảnh trái vải, trái nhãn của Việt Nam vào thị trường này bởi vì nhu cầu của 1,5 tỷ dân Trung Quốc là cực kỳ lớn. Thời gian qua, Việt Nam mới chỉ tiếp cận ngoài rìa biên giới Trung Quốc. Dư địa thị trường này còn rất nhiều cần phải khai thác.
Kỳ vọng tăng giá trị xuất khẩu
Chia sẻ về kỳ vọng xuất khẩu trong niên vụ vải, nhãn 2023, ông Phú cho biết, Bộ Công Thương không chỉ kỳ vọng tăng sản lượng xuất khẩu mà quan trọng hơn là tăng giá trị xuất khẩu trên 1 kg vải, nhãn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Điều này cần đến hoạt động quảng bá, giới thiệu cũng như quảng bá về chỉ dẫn địa lý, hình ảnh trái vải, nhãn của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
"Trách nhiệm của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là phải lồng ghép vào các hoạt động quảng bá xúc tiến quốc tế như ngày Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá qua hệ thống siêu thị ở nước ngoài, các nhà phân phối lớn ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á - những thị trường vốn ưa chuộng trái vải, trái nhãn của Việt Nam. Qua đó, quảng bá trái vải, nhãn của Việt Nam có chất lượng hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài ra, việc bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh ATTP tốt hơn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap, tiêu chuẩn hữu cơ... sẽ gia tăng được giá trị trên một đơn vị sản lượng.