Để ứng phó hiệu quả với biến động tỷ giá
Những tháng gần đây, tỷ giá biến động không ngừng. Vậy để ứng phó hiệu quả với biến động tỷ giá các nhà điều hành có chính sách gì?
Những tháng gần đây, tỷ giá biến động không ngừng. Cuối tháng 9/2023, tỷ giá có thời điểm chạm ngưỡng 24.600 VND/USD ở chiều bán ra, tăng 3,7% so với đầu năm và tăng 1,1% so với “đỉnh” cuối năm 2022. Vậy, các nhà điều hành có chính sách gì ứng phó với biến động tỷ giá?
Việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp cùng với các biện pháp khác của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô |
Tỷ giá tăng liên tiếp
Áp lực tăng tỷ giá của thị trường thế giới đã bước sang tuần thứ 10 liên tiếp, qua đó đánh dấu chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Trong phiên giao dịch ngày 27-9 vừa qua, chỉ số đồng USD chạm ngưỡng 106,5 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm.
Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức 4-5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp trong tuần cuối của tháng 9, tỷ giá USD trung tâm đóng cửa tháng 9 (ngày 28-9) không có biến động, đứng giá so với ngày trước đó, niêm yết ở mức 24.088 đồng/USD. Nếu so sánh với phiên giao dịch đầu năm 2023, tỷ giá trung tâm đã có mức tăng 476 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại lớn, tỷ giá USD có những diễn biến trái chiều. Cụ thể, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá USD được niêm yết ở mức 24.170 đồng/USD (mua tiền mặt) - 24.200 đồng/USD (mua chuyển khoản) - 24.540 đồng (bán ra), đứng giá so với ngày trước đó. Trong khi Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết ở mức 24.230 đồng/USD (mua tiền mặt) - 24.230 đồng/USD (mua chuyển khoản) - 24.530 đồng/USD (bán ra), tăng nhẹ 5 đồng/USD. Còn ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tỷ giá USD được niêm yết ở mức 24.200 đồng/USD (mua tiền mặt) - 24.230 đồng/USD (mua chuyển khoản) - 24.520 đồng/USD (bán ra), tăng 20 đồng/USD...
So với phiên giao dịch đầu năm 2023, khi tỷ giá ở dưới ngưỡng 24.000 VND/USD, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 800 đồng/USD, mức tăng khá mạnh.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam so với một số ngoại tệ áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu kỳ mới, có hiệu lực kể từ ngày 28-9 đến 4-10 cũng được Ngân hàng Nhà nước công bố với biến động không nhỏ. Trong đó, euro: 25.432,11 đồng/EUR; yên Nhật: 161,61 đồng/JPY; bảng Anh: 29.242,83 đồng/GBP; phơ răng Thụy Sỹ: 26.262,54 đồng/CHF; rúp Nga: 250,17 đồng/RUB; nhân dân tệ Trung Quốc: 3.297,78 đồng/CNY... Như vậy, không chỉ riêng USD, hầu hết các loại ngoại tệ khác đều tăng so với thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Nỗ lực giảm áp lực lên tỷ giá
Nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm dừng từ đầu tháng 3-2023. Theo thống kê, liên tiếp trong 5 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chào thầu thành công 70.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày, hút ra khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng.
Theo dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố từ cuối năm 2021, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức trên 109,9 tỷ USD, tăng gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, sau khi đạt kỷ lục vào đầu quý I-2022, dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh trong năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước phải bán một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 20% dự trữ ngoại hối, xuống còn khoảng 89 tỷ USD vào cuối năm 2022. Dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối năm 2022 ở mức 86,7 tỷ USD. Con số này giảm khoảng 22,7 tỷ USD so với cuối năm 2021.
Song, có thể kỳ vọng ở lượng kiều hối tăng trong năm 2023. Theo số liệu mới nhất, tính chung 8 tháng năm 2023, tiền kiều hối chuyển về nước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thông cáo mới nhất được công bố cuối tháng 9-2023, IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên mức 98,7 tỷ USD vào cuối năm nay và 110,5 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Các chuyên gia nhận định, nếu thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng như những diễn biến quốc tế khó lường sẽ gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Dù thế, chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát. Chỉ số lạm phát cơ bản tháng 9-2023 tăng 0,26% so với tháng 8-2023, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản đã tăng 4,49%. Dự kiến giá nhiên liệu, lương thực thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu, căng thẳng địa chính trị...
Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối mục tiêu giảm lãi suất. Việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường đối với tỷ giá, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà: Trong 5 phiên giao dịch ngày 21, 22, 25, 26 và 27/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hút ròng gần 70.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Cụ thể, ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước phát hành thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu 0,69% trong kỳ hạn là 28 ngày. Ngày 22 và 25/9, tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu mỗi phiên với lãi suất trúng thầu lần lượt là 0,5% và 0,49% cũng trong kỳ hạn 28 ngày. Tiếp đến ngày 26-9, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ra thị trường bằng kênh tín phiếu nhưng khối lượng tăng lên gấp đôi là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, kỳ hạn 28 ngày... Trước tình hình tỷ giá USD/VND tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, điều hành để ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá. Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Thái Thị Việt Trinh: Áp lực tỷ giá đang được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trong cả hai giai đoạn tháng 6/2022 và tháng 9-2023. Công cụ chính sách này nhằm điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn - là một phần trong nỗ lực nhằm giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD, hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường. Xét về bối cảnh quốc tế, áp lực đồng VND giảm giá trong cả hai giai đoạn 2022 và 2023 xuất phát trong bối cảnh đồng USD có khả năng tăng mạnh. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và việc sử dụng các công cụ phát hành tín phiếu là bước đầu nhằm hạn chế áp lực tỷ giá. Động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Chuyên gia kinh tế Đinh Quang Hinh: Đà tăng gần đây của tỷ giá có tác động trái chiều tới nền kinh tế, gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng. Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay, bao gồm: Thặng dư thương mại ở mức cao; dòng vốn FDI và kiều hối ổn định; nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Dẫu vậy, vẫn cần cẩn trọng với biến động tỷ giá trong giai đoạn cuối năm 2023 bởi vẫn có một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá USD/VND như: Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh; Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng... |