Chuyên gia khuyến nghị quản lý nợ công hiệu quả
Cần hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu đã được đề ra.
Theo bản tin nợ công được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP. Cùng với đó nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần.
Theo các chuyên gia, công tác quản lý nợ công về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để quản lý toàn diện và hiệu quả, cần hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro, đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu đã được đề ra.
Theo bản tin nợ công được Bộ Tài chính công bố, giai đoạn 2017 - 2021, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, giảm dần qua các năm, nằm trong giới hạn trần được Quốc hội phê chuẩn cho từng giai đoạn và có xu hướng giảm dần, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.
Đáng chú ý, đến hết năm 2021, nợ vay nước ngoài là hơn 1 triệu tỷ đồng, nợ vay trong nước tăng lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá chung, Việt Nam đã từng bước cơ cấu nợ vay theo hướng tăng vay trong nước nhiều hơn, điều này giúp giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Trong bối cảnh vị thế, vai trò kinh tế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm đi, danh mục nợ sẽ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro, đòi hỏi có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng cường hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp với mục tiêu quản lý đặt ra.
Để đảm bảo quản lý nợ công, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch lưu ý việc cân đối các nguồn thu chi, cũng như kế hoạch huy động vốn trong những năm tới. Đặc biệt, phải đảm bảo các khoản nợ đến hạn phải trả đúng hạn. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ, giải ngân vốn đầu tư công.
“Trong điều hành hiện nay, cần thiết làm sao tính được dòng tiền phải đưa vào sử dụng. Vừa rồi Chính phủ tập trung quyết liệt vấn đề giải ngân đầu tư công là làm sao đừng để dòng tiền đã quyết, nhất là đi vay nằm một chỗ. Quan trọng nữa, chúng ta phải giải quyết tất cả điểm nghẽn về thể chế để hấp thụ được vốn khi đầu tư công hấp thụ được, thì phải là vốn mồi để kích thích khu vực đầu tư tư nhân. Đây là yếu tố rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Bức tranh tổng thể về an toàn nợ công cho thấy nhiều yếu tố, nhưng nhìn dài hạn cần làm sao nợ công sẽ giảm khi tích lũy nền kinh tế lớn hơn”, TS. Trần Du Lịch phân tích.
Theo các chuyên gia, cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công để kiểm soát toàn diện rủi ro. Việc huy động vốn phải tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách, từng đối tượng vay vốn, bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia.