Chủ tịch Quốc hội: Là người mua, tham gia sàn bất động sản hay không là việc của tôi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chỉ nên quy định thiết chế, địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, còn tôi là người mua, tôi chọn tham gia hay không là việc của tôi. Tham gia sàn này hay sàn kia là quyền của tôi...
Góp ý về quy định giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào sáng 12-4 tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã rất băn khoăn và không đồng tình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lớn nhất trong vấn đề thị trường bất động sản (BĐS) là vấn đề quy hoạch và kế hoạch liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, vấn đề phát triển các dự án này, cơ cấu các loại thị trường này. Chúng ta thiếu nhất là trục quy hoạch theo thời gian bởi ta quy hoạch theo lãnh thổ, vùng này làm nhà ở, bất động sản, đô thị...
Nếu trong cùng một thời gian mà tung ra quá nhiều dự án chắc chắn cung sẽ vượt cầu. Cung vượt cầu thì chắc chắn sẽ có nhiều BĐS không bán được. Ngược lại, nếu khan hiếm cung thì giá sẽ tăng lên. Cho nên tái cấu trúc ở đây là tái cấu trúc về cả thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm và xuất phát chính của nó vẫn là vấn đề quy hoạch và kế hoạch.
"Tôi thấy bóng dáng này trong dự thảo rất yếu. Thị trường có quy luật phát triển của nó, mình không phải ngồi điều tiết thị trường như điều tiết sản phẩm thiết yếu, đây là điều tiết từ xa, từ sớm. Tư tưởng Đại hội Đảng nói như thế này, ta thể chế hóa như thế nào?"- Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói.
Trong Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai có nói tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS. Như vậy, là tăng cường sử dụng tiền thanh toán không dùng tiền mặt chứ không nói áp dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt, không phải bắt buộc phải giao dịch qua sàn.
"Chỉ có thể quy định thiết chế về sàn giao dịch, địa vị pháp lý của sàn giao dịch, điều kiện thành lập sàn giao dịch, cơ chế hoạt động của sàn giao dịch. Tôi là người mua, tôi chọn tham gia hay không là việc của tôi. Tham gia sàn này hay tham gia sàn kia là quyền của tôi..."- Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý luật sửa đổi một số nội dung khá lớn, nên điều khoản chuyển tiếp phải rà soát rất kỹ, không sẽ tạo ra tắc nghẽn và rất nhiều cái dở khóc dở cười.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết dự thảo luật chỉ quy định để giao dịch BĐS hình thành trong tương lai mới bắt buộc giao dịch qua sàn, còn lại là khuyến khích chứ không bắt buộc.
Thực tế hiện nay, các chủ đầu tư tùy điều kiện thực tế có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ sàn hoặc là thành lập sàn riêng để giao dịch và theo thống kê thì có khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước và hầu như các chủ đầu tư tổ chức bán hàng thông qua sàn giao dịch, dịch vụ môi giới và các tổ chức môi giới, các chủ đầu tư quy mô lớn thì mới tổ chức sàn giao dịch hoặc bộ phận bán hàng riêng.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù, đây là tài sản chưa hình thành cũng như tính pháp lý của dự án thì phức tạp và các điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát thực tế triển khai dự án, theo quy định của luật hiện hành thì các giao dịch này không thực hiện qua công chứng, do đó cần thiết phải có đề xuất giao dịch qua sàn.
Quy định cụ thể hiện nay chỉ bắt buộc đối với các bất động sản hình thành trong tương lai bắt buộc giao dịch qua sàn, còn các bất động sản khác thì chúng ta khuyến khích giao dịch qua sàn.
"Tuy nhiên, qua ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát lại kỹ hơn để đảm bảo khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giao dịch BĐS và sẽ rà soát kỹ và báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc này" - Bộ trưởng Xây dựng nói.