Cấp chứng nhận nhà đất: 'Cần cho người dân biết chờ đến bao giờ'
Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các cơ quan, sở ngành trả lời thoả đáng những kỳ vọng, mong muốn của người dân: "Cần cho người dân biết chờ đến bao giờ. Cần có lời đáp để tạo sự an lòng cho người dân".
Chiều 5/7, HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, tính từ ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành) đến tháng 4/2023, trên địa bàn thành phố có 335 dự án nhà ở thương mại với hơn 191.000 căn hộ, nhà ở riêng lẻ đủ điều kiện cấp sổ hồng, trong đó, 110.016 căn được cấp sổ hồng và 81.085 căn chưa được cấp. Nguyên nhân số căn hộ chưa được cấp GCN là do còn vướng mắc về pháp lý, nghĩa vụ tài chính, thanh tra, điều tra, loại hình nhà ở mới...
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, công tác giải quyết hồ sơ cấp GCN tại các dự án trên chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư và người mua nhà. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hằng năm bình quân chỉ đạt 67% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận, đồng thời vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn. Ngoài ra, việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc cấp GCN cho người mua nhà chưa được thực hiện một cách đồng bộ, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, TP. Thủ Đức.
Bà Lệ đề nghị UBND TPHCM phân công cơ quan chủ trì việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại và việc cấp GCN đối với các dự án này. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét, giải quyết cấp GCN cho người mua nhà theo quy định. Mặt khác, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện đối với chủ đầu tư có thiện chí, trách nhiệm trong thực hiện thủ tục nộp hồ sơ cấp GCN cho người mua nhà.
HĐND TPHCM giao UBND thành phố tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/12/2023 để đại biểu và cử tri thành phố giám sát.
Trước đó, Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đã đề nghị các cơ quan, sở ngành trả lời thoả đáng những kỳ vọng, mong muốn người dân. “Cần cho người dân biết chờ đến bao giờ. Cần có lời đáp để tạo sự an lòng cho người dân” - bà Lệ đề nghị và chất vấn UBND thành phố, các sở, ngành liên quan có hướng giải quyết như thế nào đối với việc xác nhận hoàn thành dự án nhà ở xã hội, hoàn thành nghĩa vụ tài chính dự án, giúp người dân sớm được cấp GCN.
Xem xét hành vi vi phạm của chủ đầu tư
Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TPHCM về việc có tình trạng chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai có thu tiền trả trước của người mua nhà nhưng đồng thời lại cố tình thế chấp dự án, dẫn đến người mua nhà không được cấp GCN, Đại tá Trần Thị Kim Lý - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM - cho biết vấn đề này có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, bà Lý nói việc xác định trách nhiệm hình sự còn căn cứ vào việc làm rõ các vấn đề khác như xác định dự án đó có đủ điều kiện để chủ đầu tư có thể ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai hay không, nội dung thoả thuận giữa chủ đầu tư với người mua nhà hình thành trong tương lai như thế nào… Mặt khác, cũng cần xác định năng lực của chủ đầu tư và khả năng tài chính thực sự của chủ đầu tư khi tiến hành giao dịch; rồi ý thức chủ quan của chủ đầu tư khi thực hiện hành vi trên.
Thông tin thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ, dự án nhà ở hình thành trong tương lai được sở ra văn bản xác nhận đủ điều kiện mở bán thì chủ đầu tư mới được ký kết hợp đồng bán cho khách hàng. Dự án thế chấp chỉ được bán khi có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng hoặc khách hàng mua nhà.
Cũng theo ông Khiết, nếu chủ đầu tư cố tình bán nhà đang thế chấp cho khách hàng hoặc nhà đã bán nhưng vẫn mang thế chấp mà không được sự đồng ý của bên mua là đã vi phạm pháp luật hình sự.