Bà Rịa-Vũng Tàu: Đột phá tăng trưởng từ cảng biển, logistics
Năm 2024, ngành cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đạt mốc kỷ lục với tổng sản lượng hàng hóa vượt 138,2 triệu tấn, tăng 23% so với kế hoạch; sản lượng hàng hóa tính theo TEU đạt 10,8 triệu TEU, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả ấn tượng ấy là nhờ hàng loạt giải pháp mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai, đột phá phát triển cảng biển, dịch vụ logistics hướng đến phát triển bền vững.
Ưu tiên nâng cấp hạ tầng kết nối
Tháng 11 vừa qua, cảng quốc tế Gemalink (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam khi chỉ chưa đầy 3 năm đi vào hoạt động, đã đón TEU thứ 4,5 triệu. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vị thế của cảng quốc tế Gemalink trong lĩnh vực cảng biển, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trở thành đơn vị đầu tiên lập kỷ lục xếp dỡ cùng lúc hai tàu tải trọng lớn-mức sản lượng xếp dỡ cao nhất tại Việt Nam.
![]() |
Hoạt động làm hàng tại cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). |
Đầu tháng 12-2024, cảng Tân cảng-Cái Mép Thị Vải xác lập đón TEU thứ 1 triệu thông qua cảng trong năm 2024. Với phương châm “Tập trung đầu tư, tăng năng lực thông qua; giữ vững và gia tăng thị phần; nâng cao hiệu quả kinh doanh”, cảng đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh trước kế hoạch nhiều ngày. Sự kiện này cho thấy vai trò quan trọng của cảng Tân cảng-Cái Mép Thị Vải trong việc xây dựng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng trung chuyển hàng đầu khu vực.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11,72 %, cao nhất trong 10 năm gần đây. Tỉnh có 36 trong tổng số 37 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên 95,9%, cao nhất trong giai đoạn 2021-2024. Những kết quả đó có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động cảng biển với nhiều kỷ lục và con số ấn tượng.
Để có được thành tích nổi bật đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực vận chuyển, tối ưu hóa quy trình hoạt động; phát huy thế mạnh, hướng đến tương lai bền vững và tiếp tục là đầu mối quan trọng trong mạng lưới logistics quốc tế. Đặc biệt, năm 2024, luồng hàng hải Vũng Tàu-Cái Mép đã được nâng cấp, nạo vét xuống độ sâu âm 15,5m, đáp ứng nhu cầu của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới. Ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc cảng quốc tế Gemalink chia sẻ: Nhờ nạo vét luồng xuống độ sâu đạt chuẩn đã giúp các tàu biển ra, vào cảng nhanh và dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian phải chờ thủy triều. Điều này không chỉ có lợi cho nhà khai thác cảng mà còn tạo ưu thế, giảm bớt chi phí cho các hãng tàu, tăng cơ hội cho cảng đón được nhiều siêu tàu, nâng cao sản lượng xếp dỡ.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định: Hạ tầng giao thông thuận lợi, luồng hàng hải đạt chuẩn, thời gian neo đậu được rút ngắn... chính là những yếu tố quan trọng để kết nối, mời gọi các hãng tàu. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên và nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, kết nối hoàn chỉnh để tạo điều kiện phát triển cảng biển, kinh tế biển trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ, thu hút đầu tư
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được phân loại là cảng biển đặc biệt và là hệ thống cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam. Với quy hoạch và tầm nhìn chiến lược, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định tập trung mọi nguồn lực đầu tư, đột phá phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics. Hiện nay, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh này trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.
![]() |
Cảng Tân cảng-Cái Mép Thị Vải đón TEU thứ 1 triệu vào đầu tháng 12-2024. |
Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kết nối giao thông mà còn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong việc phát triển cảng biển, dịch vụ logistics. Theo Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, cảng biển luôn gắn liền với dịch vụ logistics, cho nên việc xác định đột phá phát triển dịch vụ logistics là hướng đi đúng đắn của Bà Rịa-Vũng Tàu dựa trên những điều kiện thực tế. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics, bao gồm các dịch vụ vận chuyển, kho bãi... sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Với tiềm năng sẵn có, Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu của khu vực và cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đặt ra là, tỉnh cần kêu gọi nguồn lực đầu tư và phối hợp với các đơn vị để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu cao của lĩnh vực cảng biển, logistics; chủ động ứng dụng khoa học- công nghệ và xúc tiến quá trình hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Tỉnh đặt mục tiêu sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải bảo đảm đồng bộ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế trụ cột, nhất là dịch vụ logistics, cảng biển. Tỉnh kỳ vọng tạo ra những đột phá cho nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai gần.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN - NAM HOAN