390 triệu USD vốn FDI 'chảy' vào TP.HCM 8 tháng năm 2023
8 tháng đầu năm 2023, TP.HCM cấp mới 762 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 59,1% so với cùng kỳ (479 dự án), tổng số vốn đăng ký đạt 390 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP.HCM, môi trường kinh doanh của thành phố được tiếp tục được cải thiện.
Điều này thể hiện thông qua dòng vốn FDI "chảy" vào TP.HCM 8 tháng đầu năm đạt 390 triệu USD tăng 26,2% so với cùng kỳ. Thành phố cũng ghi nhận 762 dự án FDI mới trong khoảng thời gian này, tăng 59,1% so với 479 dự án của cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 42.005 doanh nghiệp tham giavào thị trường, nhưng cũng có đến 24.879 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
"Nghĩa là, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì tương ứng có 6 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường", Cục Thống kê TP.HCM thông tin.
Ở chiều ngược lại, bức tranh kinh tế thành phố ghi nhận sự tăng trưởng chậm hoặc "đi lùi" ở các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, hoạt động lữ hành du lịch, giải ngân vốn đầu tư công...
Đơn cử, tình hình xuất nhập khẩu của thành phố tiếp tục khó khăn.
"Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước 8 tháng đầu năm 2023 đạt 27,5 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 36,2 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ", Cục Thống kê cho biết và thông tin thêm, vsức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì song hoạt động du lịch phục hồi chậm.
"Tổng mức bán lẻ hàng hoá 8 tháng đầu năm 2023 tăng 9,6% so với cùng kỳ, sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm. Hoạt động lưu trú, ăn uống 8 tháng đầu năm 2023 tăng 33,7% so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động lữ hành tăng 74,6% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 39,3% so với cùng kỳ năm 2019", Cục Thống kê cho biết.
Dữ liệu cũng cho thấy, CPI tháng 8/2023 tăng 0,7% so với tháng trước và CPI bình quân so với cùng kỳ có xu hướng tăng chậm lại (tháng 1/2023: +5,06% so với cùng kỳ; 2 tháng: +4,79%; 3 tháng: +4,5%; 4 tháng: +4,23%; 5 tháng: +4,01%; 6 tháng: +3,73%; 7 tháng:+3,50% và 8 tháng: +3,45% so với cùng kỳ).
"Tuy nhiên, việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêudùng trong thời gian tới, vì vậy việc kiềm chế lạm phát phải luôn được ưu tiên đểgóp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế", Cục Thống kê dự báo.
Trong khi đó thông tin tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 8, 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính tới thời điểm ngày 25/8, thành phố giải ngân được khoảng 19.000 tỷ đồng; đạt 28% so với kế hoạch được giao, khoảng 68.000 tỷ đồng).
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, một trong các yếu tố gây vướng cho công tác giải ngân vốn đầu tư công của thành phố là công tác giải phóng mặt bằng.
"Lẽ ra là đến cuối tháng 9 chúng ta phải đạt 55%; cuối tháng 6 chúng ta phải đạt 35%. Đến giờ này chúng ta cũng chưa đạt được con số 35% của cuối tháng 6. Công tác giải phóng mặt bằng không chỉ có trách nhiệm của quận, huyện, TP. Thủ Đức mà còn có các sở, ngành và cả văn phòng UBND thành phố", ông Mãi khẳng định
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các sở ngành phải sát sao hơn trong công tác này. Theo đó, thời gian đưa ra giá đất để các địa phương áp dụng phải rút xuống còn 1 tuần, thay vì 1 tháng như hiện nay.
Về phía chủ đầu tư, ông Mãi cần phải đeo bám địa phương và các sở, ngành để gỡ vướng và sớm có được mặt bằng.
"Công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, TP.HCM cần phải tập trung thì mới có thể đạt được mục tiêu là 95%. Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở ngành và các nhà đầu tư phải quyết liệt trong công tác để đảm bảo đến cuối năm về đích trong công tác giải ngân vốn đầu tư công", ông Phan Văn Mãi nói.