“Phá băng” nhà ở xã hội: Sự đồng lòng lớn chưa từng thấy của những “đại bàng” bất động sản
Sáng ngày 1/8/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Cuộc họp này ngay lập tức được quan tâm đặc biệt bởi lần đầu tiên hàng loạt “ông lớn” trên thị trường bất động sản như Sun Group, VinGroup, Nova Group, BRG, Bitexco, Him Lam… cam kết sẽ tham gia xây dựng, “phá băng” nguồn cung nhà ở xã hội nhỏ giọt suốt nhiều năm qua.
Chỉ sau hơn một năm đưa vào thị trường, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đã nhanh chóng phát huy tác dụng. Tính đến cuối tháng 12/2014, 5 ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 9.417 tỷ đồng. Để hưởng nguồn vốn giá rẻ, 60 dự án thương mại với hơn 38.800 căn hộ đã đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Nguồn cung nhà giá thấp tăng cao đã tạo điểm sáng lan tỏa thanh khoản cho toàn thị trường, giúp tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh.
Tính đến cuối tháng 12/2014, giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng, tương đương 21% so với tháng 12/2013. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 và đà phục hồi tích cực hơn trong năm 2014.
Trước thách thức khó về an sinh xã hội, đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2022-2030 được đưa ra. Tiếp đó, văn bản kêu gọi mỗi doanh nhân làm 10.000 căn nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng như lời “hiệu triệu” cho cuộc “cách mạng” làm nhà ở xã hội, "mở đường" cho sự phát triển loại hình nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền trên cả nước.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ người đứng đầu Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội tiếp tục được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" với hơn 10 Tập đoàn bất động sản lớn nhất trên thị trường. Tại Hội nghị, nhiều "ông lớn" Sun Group, VinGroup, Nova Group, BRG, Him Lam, Bitexco, Hưng Thịnh…đã đồng loạt cam kết làm nhà ở xã hội với sự đồng lòng lớn chưa từng thấy.
Ngoài ra, Tập đoàn Novaland cũng chia sẻ kế hoạch đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Hòa Bình Group cũng đặt mục tiêu xây khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh, thành trong năm 2022. Trong đó có 2.000 căn hộ nhà ở xã hội tại Hà Nội được đề xuất xây dựng tại 393 Lĩnh Nam và dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại huyện Đông Anh.
Cùng với những “ông lớn” mới chỉ đặt kế hoạch, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đang tăng tốc trong kế hoạch hoàn thành cam kết về xây dựng nhà ở xã hội. Có thể kể đến như Tổng công ty Becamex IDC đã khánh thành khu 2 nhà ở xã hội Định Hòa. Dự kiến đến năm 2023, Becamex IDC sẽ tiếp tục chi khoảng 9.500 tỷ đồng để xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội tại khu VietSing (TP Thuận An), khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng). Ngoài ra, liên doanh BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng cho 3 tòa nhà cao 22 tầng và khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Sự hợp lực của những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết, cùng với sự hỗ trợ về đường lối, chính sách đã tạo niềm tin về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập. Tuy nhiên, tổng số lượng nhà ở xã hội đã được xây dựng và cam kết của các doanh nghiệp lớn nhất thị trường mới chỉ chiếm 1/3 con số 1 triệu căn nhà ở xã hội cần phải thực hiện. Và trong quá trình để những căn nhà ở xã hội đi từ cam kết đến căn nhà hiện hữu sẽ còn rất gian nan và số lượng tổng sản phẩm có thể sẽ còn ít hơn rất nhiều.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cũng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước ta nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng là hộ nghèo, người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp.
Nhìn ở góc độ xã hội, có thể thấy sự tham gia đồng lòng của những “ông lớn” bất động sản không chỉ là cam kết về chất lượng chốn an cư mà còn cho thấy sự phát triển của ngành có giá trị vốn hoá cao đang quay trở lại thế cân bằng, hướng tới mục tiêu mang đến chốn an cư cho người có thu nhập trung bình và thấp thay vì chỉ tập trung cho người giàu. Nhìn ở góc độ bài toán kinh tế, xây nhà ở xã hội góp phần để giải quyết bài toán lệch pha cung - cầu, nguồn cơn sự “đóng băng” thị trường. Tháo gỡ được nút thắt trên không chỉ tạo nguồn cung mới mà còn giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Trên cơ sở đó, niềm tin vào thị trường sẽ hồi phục khi lượng mua - bán phục hồi trở lại và tăng trưởng. Và cũng từ phân khúc nhà ở xã hội, sức “ấm” sẽ lan dần sang các phân khúc khác trên thị trường. Đấy là lý do mà nhà ở xã hội được đánh giá như “đốm lửa” sáng lan toả thanh khoản, “phá băng” thị trường.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại xây dựng Lê Thành bày tỏ: "Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy xin làm dự án nhà ở xã hội lâu và khó hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Có dự án xin 3 năm vẫn chưa xong. Nguyên nhân là hiện chưa có khung tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình riêng cho loại hình nhà này. Tất cả vẫn đang "dùng chung" với nhà ở thương mại, dẫn đến thủ tục như nhau”.
“Chưa kể, khi xây dựng xong, doanh nghiệp cũng bị hậu kiểm rất chặt và kỹ, thậm chí hơn cả nhà ở thương mại. Với những đơn vị sử dụng đất công, tài chính công bị kiểm toán cũng bình thường nhưng với các doanh nghiệp tự bỏ tiền ra để bồi thường đất, đầu tư khi bị kiểm toán làm khó họ rất nhiều, khiến họ nản lòng. Nhà ở xã hội, bắt đầu làm đã vướng, làm xong thì nản không muốn thực hiện các dự án kế tiếp. Đó chính là lý do chúng ta liên tục không đạt chỉ tiêu về nhà ở xã hội", ông Thành kết luận.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Tổ công tác về thị trường bất động sản tập hợp, đề xuất giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư; phối hợp với các địa phương, hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các dự án; đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan Luật Đất đai, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở xã hội….; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Trong Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp và triển khai tích cực, có hiệu quả hơn nữa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".