'Bội thu' thuế từ hoạt động thương mại điện tử
Nửa đầu năm 2024, thu thuế từ thương mại điện tử tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 sau khi cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin rà soát thông tin hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Anh Lê Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên bán sản phẩm thể thao trên sàn TMĐT cho biết, mọi thông tin bán hàng đến nay đã được cơ quan thuế thu thập, xác thực và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế bổ sung nếu kê khai chưa đủ.
“Kinh doanh trên sàn TMĐT ngày càng khốc liệt. Từ đầu năm 2024 tới nay, mọi chi phí kinh doanh đều tăng, từ phí nhập khẩu, phí nộp cho sàn TMĐT, chi phí chạy quảng cáo đến tiền thuê mặt bằng, nhân công. Đặc biệt, người bán hàng trên sàn TMĐT hết thời né thuế bởi cơ quan thuế đưa ra hàng loạt giải pháp truy thu, kết nối, thu thập dữ liệu người bán hàng”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Phi Văn Toàn - phụ trách bán hàng trên sàn TMĐT của nhãn hàng thiết bị gia dụng tại Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do chi phí bán hàng không ngừng tăng. Anh Toàn cho biết, một sản phẩm của anh đang bán có giá vốn 342 nghìn đồng, giá bán trên sàn TMĐT 429 nghìn đồng. Nhìn tổng thể, tính ra người bán có lãi 87.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, số tiền này thực tế người bán sẽ phải chịu khoản chi phí cố định 4%, phí thanh toán 5%, phí miễn phí giao hàng 6%, phí phiếu giảm giá 3%...
Theo sách trắng thương mại điện tử năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%.
“Với gian hàng bình thường không có miễn phí giao hàng, không có mã giảm giá, mỗi sản phẩm gia dụng chịu phí sàn 39,3 nghìn đồng. Vì vậy, lợi nhuận thực tế của sản phẩm sau khi trừ phí sàn chỉ còn khoảng 47,6 nghìn đồng. Nếu gian hàng tham gia chương trình khuyến mại của sàn TMĐT, lợi nhuận mỗi sản phẩm giảm xuống chỉ còn 4 - 21 nghìn đồng/sản phẩm tuỳ theo chương trình khuyến mại người bán chọn”, anh Toàn chia sẻ.
Trước thực tế, việc kinh doanh TMĐT ngày càng khó khăn do sức mua của người dân giảm, chi phí bán hàng gia tăng, anh Toàn mong cơ quan chức năng có thêm hỗ trợ giảm khoản thuế, phí. Theo anh Toàn, khi thuế phí giảm, giá bán sản phẩm giảm theo và kích cầu nhu cầu của người dân. Từ đó, lượng hàng bán ra tăng, nguồn thu thuế sẽ tăng theo.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết, đến tháng 6/2024, cả nước có 383 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin, tăng 22 sàn so cuối năm 2023.
Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Lũy kế từ thời điểm triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến nay, tổng số thuế đã nộp hơn 15.600 tỷ đồng.
Đối với hoạt động TMĐT trong nước, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu cơ quan thuế quản lý 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, năm 2023 doanh thu quản lý 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp 97 nghìn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cơ quan thuế đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, phát trực tiếp bán hàng. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân). Tổng số tiền thuế xử lý truy thu và phạt 297 tỷ đồng.