Giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao khiến phân khúc này đã "nóng" lại càng trở lên cấp thiết
Đại diện Hội Môi giới Bất đô gj sản Việt Nam (VARs) cho rằng, trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội được coi là "chìa khóa quan trọng nhất" giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân.
Ảnh minh họa
Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024 với chủ đề "Toàn cảnh thị trường Bất động sản Việt Nam trước giờ G" của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, phân khúc căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo, "chiếm sóng" thanh khoản thị trường.
Cụ thể, hơn 60% nguồn cung nhà ở mở bán trong quý 2 đến từ các dự án ở khu vực miền Bắc. Về cơ cấu nguồn cung, phân khúc căn hộ "vươn lên", chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn cung nhà ở sơ cấp với hơn 14.646 sản phẩm mới mở bán trong quý 2. Trong đó, hơn 43% nguồn cung căn hộ mở bán mới trong quý 2 đến từ 1 dự án đại đô thị ở Hà Nội.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ phân khúc trung cấp ngày càng sụt giảm, chỉ bằng 26% tổng nguồn cung căn hộ. 50% nguồn cung căn hộ đến từ phân khúc cao cấp mở bán trong quý 2. Nguồn cung căn hộ trung cấp chủ yếu nằm ở các tỉnh/thành cấp 2, 3; các thành phố vệ tinh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Lào Cai, An Giang, Bình Định,... bởi chi phí phát triển dự án tại 2 đô thị đặc biệt ngày càng cao trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm.
Ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS nhận định: "Sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý 1, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý 2 đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn".
Về kết quả triển khai thực hiện dự án Nhà ở xã hội (NƠXH), ông Lê Đình Chung cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án NƠXH với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021-2025.
Giao dịch phân khúc NƠXH đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.
Bàn về phân khúc này, Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết: "Nhu cầu NƠXH vốn đã nóng lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là "chìa khóa quan trọng nhất" giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân".
Dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cũng cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án NƠXH xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được "khớp lệnh". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.
Trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, phân khúc nhà ở xã hội có 8 dự án đã hoàn thành. Tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Do đó, Bộ Xây dựng đánh giá "khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024".