Tiềm lực công ty duy nhất ở Việt Nam có nhà máy tuyển đất hiếm
Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam vận hành nhà máy tuyển đất hiếm. Tính đến cuối 2022, công ty có quy mô tổng tài sản 255 tỷ đồng, vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp vận hành nhà máy tuyển đất hiếm, nguồn: Global Times
Sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng hàng chục triệu tấn nhưng Việt Nam hiện chưa thể khai thác được. Nguyên nhân là công nghệ chế biến vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
PGS.TS. Lê Bá Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm cho biết đến nay, Việt Nam mới có một doanh nghiệp đang vận hành nhà máy tuyển đất hiếm là Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE). Còn các doanh nghiệp khác đều trong quá trình xem xét và chuẩn bị. Công ty này cũng đang thực hiện dự án mở rộng phân xưởng phân chia đất hiếm nặng từ tổng đất hiếm Yên Phú với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và sự phối hợp của Viện Công nghệ xạ hiếm.
VTRE thành lập năm 2007, trụ sở chính tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ông Lưu Anh Tuấn, sinh năm 1974, là Chủ tịch HĐQT; ông Lưu Hải Ngọc, sinh năm 1964, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác chưa được phân vào đâu.
Thông tin trên truyền thông, ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch VTRE cho biết mỗi năm công ty nhập khoảng 1.000 tấn đất hiếm đã tinh chế (lên đến 99%) từ Úc, Nga để tiếp tục chiết tách nguyên tố phục vụ cho đối tác trong, ngoài nước. Doanh nghiệp có thể sản xuất được đất hiếm nhưng quặng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu 100% ở nước ngoài vì không có mỏ đất hiếm để khai thác.
Mỏ đất hiếm Đông Pao ở tỉnh Lai Châu dự kiến được khai thác sau 10 năm kể từ ngày được cấp phép. Chủ tịch VTRE thông tin sẽ cùng với đối tác Blackstone Minerals (Úc) lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao. Doanh nghiệp dự tính cùng đối tác này khai thác quản lý vận hành mỏ theo tiêu chuẩn quốc tế với chứng chỉ môi trường của châu Âu.
Theo ông Tuấn, những công việc chuẩn bị đã được triển khai gồm thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.
Mỏ Đông Pao là mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước, gồm các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn. Mỏ thuộc quản lý và khai thác của Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco), công ty con của Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) - đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Mỏ đã được cấp phép từ 2014 nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp tài chính…
Lavreco từng cùng đối tác Nhật Bản ký hợp đồng hợp tác nhưng đối tác dừng đột ngột khiến công ty không có được nguồn vốn đầu tư và công nghệ chế biến đất hiếm từ Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ 2022 - 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thành việc tìm kiếm đối tác hợp tác khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao, đồng thời phấn đấu là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp khác thác chế biến đất hiếm của Việt Nam.
Blackstone Minerals là cái tên quen thuộc khi đã đầu tư 2 dự án lớn về niken tại Sơn La, bao gồm dự án thăm dò và khai thác niken tại khu vực Bản Phúc và dự án nhà máy chế biến sâu quặng tinh niken, tổng đầu tư lên tới 12 triệu USD. Niken cũng là loại khoáng sản “quý hơn vàng” khi được sử dụng nhiều trong ngành công nghệ tương lai như pin xe điện.
Trở lại với VTRE, dữ liệu Nhadautu.vn có được cho thấy quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2022 đạt 255 tỷ đồng, tăng thêm 22,5% so với 2021. Tập trung ở hàng tồn kho 75 tỷ đồng, tài sản dở dang 72 tỷ và tài sản cố định 52 tỷ đồng.
Về mặt nguồn vốn, doanh nghiệp vay nợ thấp chỉ 16 tỷ đồng nhưng phải trả người bán lớn 130 tỷ và khách hàng trả trước 88 tỷ đồng.
Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được duy trì từ 2015 đến nay. Cho đến 2020, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế gần 100 tỷ đồng nhưng đến cuối 2022 chỉ còn 31,1 tỷ đồng nhờ năm 2021 lãi lớn. Vốn chủ sở hữu từ âm 47,9 tỷ năm 2020 chuyển dương 18,7 tỷ năm 2022.
Cụ thể, năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu 203 tỷ đồng, gấp 4,7 lần 2020. Biên lãi gộp 26,7%, cải thiện mạnh so với con số 16% năm trước. Nhờ vậy, lãi ròng đạt 52,2 tỷ đồng, gấp 20 lần. Bước sang 2022, doanh thu giảm nhẹ xuống 198 tỷ đồng. Song, biên lãi gộp giảm xuống 17,8% cùng hoạt động khác lỗ 17,7 tỷ đồng. Do vậy, lãi ròng còn 8,6 tỷ đồng, giảm sâu so với 2021.