Tập đoàn FLC báo lỗ ròng 466 tỷ đồng trong quý 1/2022
Hiện, các chủ nợ lớn nhất của FLC phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Việt Nam (Sacombank, STB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID). Ngoài ra, FLC còn vay một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…
Tập đoàn FLC (FLC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2022, ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.085 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn khiến FLC lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 108 tỷ.
Đặc biệt, chi phí tài chính tăng đột biến gấp 3 lần lên 161 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư.
Ngoài ra, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh - liên kết. Tính đến thời điểm 31/3/2022, FLC đang chịu lỗ hơn 651 tỷ đồng từ mảng hàng không (hiện nắm 21,7% vốn tại Bamboo Airways).
Kết quả, FLC báo lỗ ròng 466 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi quý 1/2021 có lãi ròng 43 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất quý 1/2022 của FLC.
Tính đến thời điểm 31/3/2022, FLC đang chịu lỗ hơn 651 tỷ đồng từ mảng hàng không (hiện nắm 21,7% vốn tại Bamboo Airways).
Giải trình cho con số trên, FLC cho biết trong kỳ doanh thu và giá vốn giảm lần lượt 58% và 54% so với cùng kỳ năm trước do:
(i) Tập đoàn thu hẹp mảng kinh doanh thương mại.
(ii) Doanh thu bất động sản cũng giảm do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao.
(iii) Kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
(iv) Chi phí tài chính cũng ghi nhận tăng 185% so với cùng kỳ năm trước do tăng các khoản trích lập dự phòng đầu tư.
Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản Công ty vào mức 35.496,5 tỷ đồng. Tiền mặt và tương đương tiền vào mức 291 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 14.898 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả tăng thêm gần 2.100 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn (1.207 tỷ) và vay ngắn hạn (1.169 tỷ). Nợ vay hiện vào mức 7.100 tỷ đồng, bao gồm 3.204 tỷ dư nợ ngắn hạn và 4.106 tỷ dư nợ dài hạn.
Hiện, các chủ nợ lớn nhất của FLC phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Việt Nam (Sacombank, STB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID). Ngoài ra, FLC còn vay một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…
https://cafef.vn/tap-doan-flc-bao-lo-rong-466-ty-dong-trong-quy-1-2022-20220501100050247.chn