Số doanh nghiệp trên 1.000 dân của tỉnh, thành nào cao nhất cả nước?
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê, bình quân cả nước có 8,3 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Trong đó, có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê, năm 2020, bình quân cả nước có 8,3 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân.
Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: TP. Hồ Chí Minh có 27,6 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,2 doanh nghiệp; Hà Nội có 20,1 doanh nghiệp; Bình Dương có 13,5 doanh nghiệp; Hải Phòng có 9,8 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 9,4 doanh nghiệp; Khánh Hòa và Bắc Ninh cùng có 9,0 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước.
Trong đó, những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang có 1,4 doanh nghiệp; Sơn La có 1,6 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,7 doanh nghiệp; Tuyên Quang có 1,8 doanh nghiệp; Bắc Kạn có 1,9 doanh nghiệp; Yên Bái có 2,1 doanh nghiệp; Cao Bằng và Sóc Trăng cùng có 2,2 doanh nghiệp.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Về mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động, năm 2020, bình quân cả nước có 16,8 doanh nghiệp đang hoạt động. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước.
Các địa phương này gồm TP. Hồ Chí Minh có 56,4 doanh nghiệp; Hà Nội có 44,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 44,0 doanh nghiệp; Bình Dương có 21,4 doanh nghiệp; Hải Phòng có 21,3 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 20,2 doanh nghiệp; Khánh Hòa có 18,4 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 18,2 doanh nghiệp.
Ngoài ra, 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước. Trong đó, 2/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn 3 doanh nghiệp là Hà Giang (2,6 doanh nghiệp) và Sơn La (2,8 doanh nghiệp).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngoài ra, báo cáo cũng công bố thu nhập bình quân tháng của người lao động của từng địa phương. Theo đó, 8/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước (9,3 triệu đồng/người/tháng).
Chủ yếu các địa phương này có quy mô doanh nghiệp lớn, thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có 5/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 trên 10,0 triệu đồng một tháng.
Các địa phương này gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu 11,5 triệu đồng; TP. Hồ Chí Minh 10,8 triệu đồng; Hà Nội 10,5 triệu đồng; Quảng Ninh 10,1 triệu đồng; Đồng Nai 10,0 triệu đồng.
(Đơn vị: Triệu đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, 55/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2019 thấp hơn mức thu nhập trung bình cả nước
Trong đó, 3/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động dưới 5,0 triệu đồng: Điện Biên 4,7 triệu đồng; Đắk Lắk 4,9 triệu đồng; Sơn La gần 5,0 triệu đồng. Có 52/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong khoảng từ 5,0 triệu đồng đến 9,3 triệu đồng.