Không phải Hòa Phát, VinGroup, Vinamilk hay đại diện nhóm ngân hàng, “3 chữ cái” đang được nhiều quỹ “ôm” có thể khiến nhà đầu tư "ngỡ ngàng" vì tiếc
Với đà tăng bền bỉ vào loại hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu này đem lại niềm vui cho hầu hết các nhà đầu tư, từ các quỹ lớn đến cá nhân nhỏ lẻ nếu đủ kiên nhẫn nắm giữ dài hạn.
Tiếp đến là các cổ phiếu ngân hàng như ACB, MBB, STB, CTG, TCB,… Ngân hàng cũng là nhóm được các quỹ mở yêu thích nhất, chiếm 31% danh mục. Theo sau ngân hàng, lần lượt là công nghệ, bất động sản, bán lẻ,… Nhóm bán lẻ dù số lượng khiêm tốn nhưng các cổ phiếu như MWG, PNJ, FRT đều rất được săn đón.
Thời điểm cuối quý 1, cổ phiếu FPT còn là viên kim cương lớn nhất trong danh mục của DCVFM VNDiamond ETF với tỷ trọng 15,7%. Đây là ETF nội lớn nhất thị trường với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 16.000 tỷ đồng. Ước tính, DCVFM VNDiamond ETF đang phân bổ khoảng 2.500 tỷ đồng vào FPT tính đến 31/3.
DCVFM VNDiamond ETF là quỹ quy mô lớn nhất mô phỏng theo rổ chỉ số VNDiamond gồm toàn cổ phiếu "kín room" (tỷ lệ FOL trên 95%). Nhóm ngân hàng chiếm có số lượng áp đảo trong danh mục của quỹ tuy nhiên những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất lại đến từ các ngành khác như công nghệ, bán lẻ, cảng biển, năng lượng,…
Không chỉ quỹ mở, các quỹ đóng quy mô hàng đầu thị trường Việt Nam cũng nắm lượng lớn cổ phiếu FPT trong danh mục. Thời điểm cuối quý 1, cổ phiếu FPT đang là khoản đầu tư lớn thứ 5 của VEIL – Dragon Capital, quỹ ngoại quy mô 1,9 tỷ USD này với tỷ trọng 6,6%. Ước tính, khoản đầu tư vào FPT của VEIL có giá trị khoảng 125 triệu USD (~3.000 tỷ đồng).
Bên cạnh FPT, các khoản đầu tư lớn của VEIL cũng đều là các Bluechips đầu ngành như HPG, MWG, VHM, GAS và nhiều cổ phiếu ngân hàng. Ngân hàng cũng là nhóm chiếm tỷ trọng áp đảo trong danh mục của VEIL với gần 40%. Theo sau lần lượt là bất động sản, hàng hoá, bán lẻ, công nghệ,…
Tương tự VEIL, VOF – VinaCapital cũng đang phân bổ lượng lớn tài sản vào FPT với tỷ trọng 8,7% tại ngày cuối quý 1, xếp thứ 4 trong danh mục sau ACB, KDH, HPG. Danh mục của VOF có phần đa dạng hơn khi bao gồm cả các cổ phiếu Midcap như DXS và chưa niêm yết như ACV. Tuy nhiên, các khoản đầu tư lớn vẫn chủ yếu tập trung vào 2 nhóm tài chính và bất động sản.
Với đà tăng bền bỉ vào loại hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam, FPT đem lại niềm vui cho hầu hết các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn, từ các quỹ lớn đến cá nhân nhỏ lẻ. Dù vậy, FPT thực tế cũng lại là sự tiếc nuối của rất nhiều lớp nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn, "sốt ruột" rời đi khi nhìn sang các cổ phiếu nóng trên thị trường.
Hiện tại, FPT đang trên đỉnh mọi thời đại với thị giá 131.300 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 37% từ đầu năm 2024. Giá trị vốn hóa cũng theo đó lập kỷ lục gần 167.000 tỷ đồng (~7 tỷ USD), gấp đôi so với một năm trước qua đó đưa FPT vào top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường.
Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước. Sau quý đầu năm, FPT đã thực hiện khoảng 23% kế hoạch đề ra.
FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA. Nhà máy được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp giải pháp công nghệ cao về AI và cloud của Việt Nam trên quy mô toàn cầu, đồng thời nâng tầm nguồn nhân lực công nghệ. "Chúng tôi cam kết đưa Việt Nam trở thành Trung tâm phát triển AI của thế giới", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định.