Không chọn tăng trưởng bằng mọi giá, startup Việt có khả năng 'sống sót' cao hơn startup trong khu vực
Theo bà Trần Nguyên Thúy My – Phó Chủ tịch Jungle Ventures, lãnh đạo của các startup Việt tập trung vào kinh doanh mang lại giá trị cho khách hàng nhiều hơn là đốt tiền để tăng trưởng để gọi vốn tiếp.
"Mùa đông gọi vốn" có lẽ là cụm từ được bàn tán nhiều nhất với giới khởi nghiệp lúc này. Đặc biệt sau bức tâm thư của Y Combinator (YC) – vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Thung lũng Silicon (Mỹ) - gửi cho các founder trong danh mục của mình, rằng: "Mọi người nên lên kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất".
"Mùa đông khởi nghiệp tại Việt Nam? Từ nay đến cuối năm 2022 chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn điều đó. Các thương vụ và quy mô đầu tư có thể sẽ giảm so với trước", bà Trần Nguyên Thúy My – Phó Chủ tịch Jungle Ventures – nhận định trong buổi trò chuyện mới đây.
Jungle Ventures là một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ từ giai đoạn đầu đến giai đoạn tăng trưởng trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ. Jungle Ventures tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2018, với các thương vụ rót vốn vào Dat Bike, Timo, Mio và Medici.
Dù vậy, theo bà My, Việt Nam sẽ không chịu các thiệt hại nặng nề như các nước trong khu vực hay như Thung lũng Silicon bởi vốn đầu tư đổ vào Việt Nam vẫn còn rất thấp so với họ. Do đó, việc cắt giảm đầu tư sẽ diễn ra nhưng quy mô sẽ không sụt giảm một cách đột ngột như các thị trường nói trên.
Mặt khác, các startup Việt đã quen với việc sử dụng dòng tiền hiệu quả, không nhiều công ty chọn con đường tăng trưởng bằng mọi giá. Hay nói cách khác, khả năng sống sót của họ tốt hơn rất nhiều so với các startup trong khu vực.
"Khi nhắc đến công ty Việt Nam, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phát triển bền vững. Đó là đặc điểm chung tôi quan sát được ở các nhà sáng lập mà quỹ chúng tôi đầu tư. Họ tập trung vào kinh doanh mang lại giá trị cho khách hàng nhiều hơn là đốt tiền để tăng trưởng để gọi vốn tiếp.
Hiện nay, trong lúc nhiều startup toàn cầu đối mặt với lo ngại phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự… thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như rất ít động đến việc này, vì họ đã làm tốt và bây giờ chỉ cần tối ưu hoá thêm chút ít thôi. Đây là điểm sáng các công ty khởi nghiệp Việt Nam so với khu vực", bà My nhấn mạnh.
Jungle Ventures đã công bố quỹ mới với quy mô 600 triệu USD cho thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ, và sẽ không có giới hạn cho việc phân bổ vào thị trường Việt Nam, miễn là có cơ hội đầu tư tốt và phù hợp với khẩu vị.
Bên cạnh yếu tố tăng trưởng bền vững vừa nói, còn 3 lý do lớn khiến Việt Nam trở thành điểm đến của Jungle Ventures nói riêng, và nhiều quỹ đầu tư năng động khác như Wavemaker, Sequoia, Accel… nói chung.
Thứ nhất, bên cạnh những thông tin như GDP tăng trưởng bất chấp Covid-19, cơ cấu dân số trẻ, ổn định chính trị và xã hội… bà My nhấn mạnh điểm thích nhất ở các nhà khởi nghiệp Việt Nam là sự quyết liệt, làm việc chăm chỉ và sự đam mê.
Thứ hai, môi trường khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận sự thay đổi liên tục theo hướng tích cực trong thời gian qua cả về chất và lượng.
"Tôi gia nhập Jungle Ventures từ năm 2020, lúc phỏng vấn tôi có trao đổi với nhà sáng lập: Các anh có chắc tuyển người lãnh đạo là Việt Nam khi tỷ lệ đầu tư của quỹ vào đây còn khá nhỏ như vậy không?.
Trả lời, phía quỹ nhấn mạnh rằng tôi cứ yên tâm vì Việt Nam là thị trường dài hạn của Jungle Ventures, và họ đã sẵn sàng để đầu tư nghiêm túc một vài năm tới.
Thực tế cho thấy, trong 2 năm sau khi tôi chính thức tham gia thì Jungle Ventures đã tăng quy mô vốn đầu tư gấp 10 lần so với trước đó", bà My kể lại.
Nếu trước kia rất khó tìm thấy một đại diện người Việt tại những quỹ nước ngoài, thì bây giờ ngược lại rất khó để tìm được một quỹ đầu tư nước ngoài không có người đại diện Việt Nam.
Cuối cùng, chất lượng các startup ngày một tốt hơn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nắm bắt rất nhanh xu hướng của thị trường, đặc biệt xu hướng phát triển công nghệ.
Cần nhấn mạnh, từ những kỳ lân đi trước như, VNG, VNPay, Momo… cùng sự gia nhập mạnh mẽ của các kỳ lân nước ngoài như Shopee, Traveloka, Grab có đã nhiều nhà sáng lập trưởng thành từ những môi trường đó và đi ra xây dựng giấc mơ riêng của mình.
Ngoài ra, liên quan đến định giá, hiện các thị trường như Indonesia hay Singapore đã lên quá cao, nên đây là thời điểm các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới.
Về hoạt động của quỹ, đến nay Jungle Ventures đang đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào Việt Nam, với danh mục gồm Mio, Timo, Dat Bike và Medici. Sắp tới, quỹ sẽ rót thêm vốn một công ty giáo dục.
Dat Bike - đơn vị sản xuất xe máy điện - đang phát triển rất tốt. Jungle Ventures hiện đã rót vốn thêm 2 vòng vào công ty này.
"Điều khiến tôi tự hào nhất là Dat Bike có cả một cộng đồng 18 ngàn người mà mỗi người họ gọi nhau là Dat Biker. Họ yêu mến và đứng ra bảo vệ thương hiệu khi công ty khó khăn. Nó cho thấy mong mỏi của người Việt để sở hữu một thương hiệu 'Made in Vietnam' rất lớn", bà My bày tỏ.
Medici – công ty bảo hiểm đã tăng trưởng 100 lần chỉ sau 1 năm quỹ Jungle rót vốn.
"Đội ngũ lãnh đạo của Medici là điều tôi ấn tượng nhất về công ty. Họ là một sự kết hợp hoàn chỉnh giữa kinh nghiệm và đổi mới, nhờ đó mà khi vận hành trong một mảng khó nhằn như bảo hiểm, họ vẫn có khả năng tăng trưởng rất ấn tượng đồng thời mang lại những thay đổi nhằm làm mới và tốt hơn ngành phân phối bảo hiểm, sức khoẻ".
Tại Timo, 80% khách hàng không nằm ở thành phố loại 1 như Tp.HCM, mà tập trung ở các đô thị loại 2-3 và ở nông thôn.
Nhìn chung, tiêu chí đầu tư theo Phó Chủ tịch Jungle Ventures là các founder có quyết tâm giải quyết những vấn đề lớn của xã hội hay không. Nó bao gồm 2 yếu tố:
Một, quy mô thị trường: Không cần ngành lớn những bài toán giải quyết phải lớn. Bởi, nếu ngành lớn nhưng đã nhiều bên khai thác rồi thì bài toán không còn lớn nữa.
Hai, nhà sáng lập là ai? Thực tế, không có công thức nào quyết định sự thành công của nhà sáng lập. Mà Jungle Ventures quan sát có 3 điều không thể thiếu với Founder, là (i) Quyết tâm lớn, (ii) Kiên trì không từ bỏ và (iii) Khả năng học nhanh.
Có một điểm khác biệt rất riêng của Jungle Ventures là quỹ không chỉ đầu tư 1 vòng, mà sẽ hướng đến đầu tư vòng thứ 2, thứ 3; nếu công ty làm tốt thì vòng tiếp theo số vốn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam không có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ các tập đoàn lớn sở tại. Điều này đi ngược với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore…
"Ở các nước khác, mỗi tập đoàn lớn đều có quỹ mạo hiểm riêng chuyên đầu tư vào công ty khởi nghiệp công nghệ ở nước đó. Điều này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của quốc gia cũng như chính tập đoàn đó, cụ thể là động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn. Trong khi điều này tôi chưa thấy nhiều tại Việt Nam, nếu có sẽ thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số tốt hơn, vì các công ty lớn họ có nhiều lợi thế bổ trợ được cho startup không chỉ chuyện vốn, mà cả hệ thống, mối quan hệ…" - bà My nói.