Doanh nghiệp xăng dầu mắc kẹt vì những quy định chung chung
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện doanh nghiệp xăng dầu ở nhiều địa phương trên cả nước nói rằng, Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 17/11/2023 nhưng đến nay sau hơn nửa năm, doanh nghiệp gặp phải hàng loạt khó khăn liên quan những quy định chung chung trong các nghị định do Bộ Công Thương xây dựng.
Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở khu vực phía Nam cho biết, đến nay doanh nghiệp của bà cũng như toàn bộ các doanh nghiệp khác ở TPHCM hoàn toàn không thể thực hiện được một số quy định liên quan đến Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu vì thiếu các quy định hướng dẫn thực hiện.
“Nghị định quy định cho phép doanh nghiệp được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa từ 3 nguồn nhưng toàn bộ doanh nghiệp đến nay vẫn chỉ được lấy từ một nguồn duy nhất do Sở Công Thương, chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ Công Thương. Chúng tôi cũng làm việc với lãnh đạo của Sở Công Thương TPHCM thì nhận được trả lời: Khi nào Bộ có hướng dẫn thì doanh nghiệp mới được thực hiện. Sở cũng cho biết đã có kiến nghị gửi Bộ Công Thương nhưng đến giờ, sau nhiều tháng, vẫn không nhận được trả lời. Doanh nghiệp xăng dầu ở các địa phương khác đã thực hiện lấy từ nhiều nguồn nhưng ở TPHCM thì lại không được thực hiện, rất bất cập”, vị này nói.
Phản ánh với PV Tiền Phong , tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn với chuỗi hơn 10 cửa hàng ở TPHCM cho biết, ngoài những bất cập khi không được lấy từ 3 nguồn theo quy định của Nghị định 80, các doanh nghiệp xăng dầu cũng gặp hàng loạt khó khăn do những quy định không rõ ràng trong kinh doanh xăng dầu khiến doanh nghiệp và Sở Công Thương địa phương không thể thực hiện được. Theo vị này, hai nghị định mới nhất về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng gần đây nhất là Nghị định 95 và Nghị định 80 đều rất có vấn đề trong soạn thảo. Nghị định 95 bỏ khái niệm “đồng sở hữu” quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện đối mặt nguy cơ đóng cửa khi thực hiện đổi/cấp lại giấy phép kinh doanh khi đến hạn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc khác cũng cho biết, đến nay vẫn chưa thể mua được xăng dầu từ nhiều nguồn theo quy định. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp đầu mối lớn cũng từ chối bán cho các doanh nghiệp mua từ nhiều nguồn và tuyên bố chỉ bán cho hệ thống doanh nghiệp nhượng quyền do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý.
“VCCI, Bộ Tư pháp cần thẩm định lại những quy định trái luật trong dự thảo nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến”.
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP)
Đề nghị bỏ các quy định chung chung
Tại hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc được Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/5, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh cùng một số địa phương khác kiến nghị Bộ Công Thương làm rõ một số quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như các lĩnh vực thương mại khác.
Theo đó, Bộ Công Thương cần sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng đề nghị xem xét, sửa đổi quy định để đại lý được mua của nhiều nguồn, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho đại lý và người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động của các đơn vị ngành công thương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Theo bà Lan, đang có sự chồng chéo về các cơ chế, chính sách; việc ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa được kịp thời gây vướng mắc trong triển khai thực hiện. “Sở Công Thương nhiều tỉnh mong muốn Bộ Công Thương tập trung tháo gỡ ngay các nút thắt trong lĩnh vực hạ tầng thương mại, điện, công nghiệp. Tháo gỡ các điểm nghẽn vướng mắc về thông tư, nghị định, luật đang chồng chéo nhau. Khi nghị định ban hành, cần có thông tư hướng dẫn đi kèm ban hành ngay. Tránh trường hợp chờ hướng dẫn quá lâu làm mất đi cơ hội phát triển của các địa phương”, bà Lan nói.
Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu do VCCI tổ chức mới đây, hàng loạt doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu cũng như các quy định can thiệp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong dự thảo nghị định mới do Bộ Công Thương xây dựng. Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), đề nghị bãi bỏ những quy định chung chung trong dự thảo nghị định liên quan đến việc buộc doanh nghiệp phải xây dựng kho chứa 2.000 m3. Ông cũng chỉ rõ quy định bất cập liên quan đến Điều 13 của dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp được lấy từ nhiều nguồn, nhưng dự thảo không hề nêu rõ doanh nghiệp đầu mối được lấy từ bao nhiêu nguồn. “Một câu hỏi lớn với cơ quan soạn thảo nữa là vì sao dự thảo nghị định lại loại bỏ quy định các thương nhân phân phối không được lấy của nhau trong khi các dự thảo khác như 83, 95 và 80 đều quy định?”, ông Khanh nói.
Về những kiến nghị liên quan đến vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã hoàn thiện dự thảo 2 thông tư quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gửi xin ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, nội dung liên quan đến việc đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu đã được quy định tại dự thảo thông tư. Khi thông tư được ban hành, những vướng mắc sẽ được giải quyết.