Đọ khả năng kiếm tiền về cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng của 3 cổ phiếu lớn "họ nhà Vin" trên sàn chứng khoán
So sánh 3 cổ phiếu VIC, VHM, VRE dựa trên theo những chỉ số phân tích kinh doanh cơ bản.
Mới đây trong Đại hội cổ đông CTCP Vinhomes, tân chủ tịch HĐQT Phạm Thiếu Hoa tiết lộ công ty này sẽ triển khai vào mảng dự án nhà ở xã hội (NOXH). Theo đó, Vinhomes quy hoạch NOXH Happy Home gồm 3 loại. Loại 1 với giá bán gần 300 triệu đồng, là các căn hộ trong các tòa nhà cao tối đa 7 tầng, diện tích từ 24m2 sàn và 12m2 gác xép. Loại 2 là các căn hộ trong các tòa nhà cao 15-21 tầng, diện tích từ 30-50 m2 với mức giá 400-700 triệu đồng. Loại 3 là các căn nhà liền kề 3 tầng, có diện tích từ 50-70 m2, giá bán tối đa 950 triệu đồng.
Dự án nhà ở xã hội này được hưởng trọn tiện ích với đầy đủ trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, sân thể thao…
Thông tin này của Vinhomes ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận quan tâm đến bất động sản. Từ lâu, các thông tin từ những doanh nghiệp họ nhà Vin luôn thu hút mạnh giới đầu tư và công chúng. Thời điểm tháng 5/2018, khi Vinhomes lên sàn vốn hoá của bộ ba VIC, VHM và VRE chiếm tới 23% vốn hóa sàn HOSE.
Nếu xem VIC, VHM, VRE là 3 vận động viên trên cuộc đua marathon kinh doanh thì cổ phiếu nào là ứng viên chạy ổn định và xuất sắc nhất? Chúng ta hãy thử so tài 3 doanh nghiệp này theo những chỉ số phân tích kinh doanh cơ bản.
Ai kiếm tiền giỏi hơn?
Biên lãi gộp gộp là chỉ tiêu đầu tiên xem xét đến khi so sánh giữa Vinhomes, Vincom Retail và Vingroup về khả năng sinh lời. Chỉ tiêu này cho biết với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán. Tỷ lệ này cho chúng ta biết nhiều về đặc tính kinh tế của công ty.
Có một quy luật chung (và cũng có ngoại lệ) là các công ty có tỷ suất lợi nhuận gộp là 40% hoặc cao hơn có xu hướng là những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Các công ty có tỷ suất thấp hơn 40% thường thuộc ngành có tính cạnh tranh cao. Chỉ số này thấp hơn hoặc bằng 20% cho thấy ngành có sự cạnh tranh gay gắt, khi không công ty nào có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững hơn các đối thủ.
Trong 3 doanh nghiệp thuộc họ nhà Vin, Vincom Retail là đơn vị có biên lãi gộp cao hơn hẳn, luôn duy trì ở mức cao hơn 40%. Thậm chí năm 2013, Vincom Retail từng ghi nhận biên lãi gộp lên tới 71%. Vincom Retail quản lý và vận hành 80 trung tâm thương mại, trên khắp 43 tỉnh, thành phố, sở hữu 1,7 triệu m2 mặt bằng bán lẻ, lớn nhất tại Việt Nam.
Trong khi đó Vinhomes là doanh nghiệp có độ biến động lớn về biên lợi nhuận gộp, dao động từ khoảng 30% lên hơn 50%. Với Vingroup, xét về xu hướng dài hạn, chỉ số này có phần giảm từ mức 38% năm 2013 xuống 16% năm 2020 và mới tăng trở lại trong năm 2021.
Biên lợi nhuận hoạt động của doanh cao và tăng trưởng trong dài hạn thì cho chúng ta một tín hiệu rất tích cực. Khi không chỉ giá vốn hàng bán, mà các chi phí vận hành doanh nghiệp cũng đang được kiểm soát tốt. Vinhomes là đơn vị có biên lợi nhuận hoạt động tốt nhất và xu hướng tăng trong nhóm cổ phiếu họ Vin. Trong khi đó chỉ số này của Vincom Retail và Vingroup đều có xu hướng giảm.
Ngoài so sánh khả năng sinh lời nội tại, chúng ta cũng cần so sánh chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) để đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp. Đây là điều mà các cổ đông góp vốn của doanh nghiệp rất quan tâm.
Vinhomes là doanh nghiệp ấn tượng nhất khi ROE tăng từ mức 2% năm 2014 lên 87% năm 2021. Trong khi đó năm 2021 lần đầu tiên Vingroup ghi nhận mức lỗ nên tỷ lệ ROE của VIC rơi về mức -11%. Trong khi đó ROE của Vincom Retail khá ổn định xoay quanh mức trung vị 8%.
Ngoài việc xem xét năng lực kinh doanh, trong phân tích doanh nghiệp không thể thiếu việc đánh giá năng lực sử dụng và quản lý nợ. Điều này được dựa vào hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.
Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn khi lãi suất ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vinhomes và Vingroup là 2 doanh nghiệp có tỷ số D/E khá cao nhưng đang có xu hướng giảm dần. Ví dụ với Vinhomes con số năm 2013 là 3,5 giảm về mức 0,8 năm 2021. Nguyên nhân bởi Vinhomes tăng vốn chủ sở hữu qua việc phát hành thêm cổ phiếu đồng thời giảm vay nợ trong năm 2021. Vincom Retail là đơn vị luôn duy trì mức vay khá thấp, luôn dưới mức 0,6 từ năm 2016 đến nay.
Việc vay nợ cũng tác động đến chi phí tài chính, cụ thể là chi phí vay nợ của doanh nghiệp phải trả khi thu được tiền về. Một điều bất ngờ dù tỷ lệ vay nợ (D/E) thấp nhưng chi phí lãi vay so với lãi gộp của Vincom Retail lại ở mức khá cao so với Vingroup, Vinhomes. Điều này có thể do VRE không có được tài sản đảm bảo để thế chấp tốt như Vinhomes nên mức lãi sẽ cao hơn.
https://cafebiz.vn/do-kha-nang-kiem-tien-ve-cho-ty-phu-pham-nhat-vuong-cua-3-co-phieu-lon-ho-nha-vin-tren-san-chung-khoan-20220519161616354.chn