Điện lực TKV kinh doanh thế nào trong năm đầu niêm yết trên sàn HNX?
“Ông lớn” ngành điện - Điện lực TKV ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 824 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi cổ phần hoá đến nay.
Tổng Công ty Điện lực TKV - CTCP (HNX: DTK) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với 3.786 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so cùng kỳ.
Trong kỳ, Công ty có 247 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 14% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí tài chính giảm 25% xuống 421 tỷ đồng. Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận lãi khác 71 tỷ đồng, Công ty báo lợi nhuận sau thuế đạt 228,6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với quý IV/2020.
Theo giải trình từ phía Công ty, doanh thu bán hàng tăng chủ yếu là do được thanh toán chênh lệch tỉ giá năm 2018 trong giá bán điện. Giá vốn tăng do công ty mẹ thực hiện trích khấu hao tăng nhanh hệ số 2 và chi phí nhiên liệu tăng. Doanh thu tài chính tăng do lãi chênh lệch tỉ giá đánh giá số dư phải trả ngoại tệ cuối kỳ.
Luỹ kế năm 2021, “ông lớn” ngành điện ghi nhận doanh thu thuần hơn 13.059 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2020. Do giá vốn tăng 6% nên lãi gộp sụt giảm 20%, thu được 1.400 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng gấp rưỡi lên 422 tỷ đồng nhờ tăng lãi các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm 29% do giảm chiết khấu thanh toán, lãi bán hàng trả chậm, chênh lệch tỉ giá. Khoản lãi tài chính là động lực cho kết quả tăng trưởng 62% lợi nhuận năm 2021 của Công ty. Kết quả, Công ty ghi nhận khoản lãi trước thuế ở mức 867 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 824 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 11.600 tỷ đồng và lãi trước thuế 753 tỷ đồng. Với kết quả trên, Công ty đã vượt 13% về doanh thu và vượt 15% về lợi nhuận so với chỉ tiêu đề ra.
Tại ngày 31/12/2021, Điện lực TKV đang có 18.673 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 7% so đầu năm. Phần lớn trong đó là tài sản cố định, chiếm 12.857 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đang đầu tư 1.225 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, công ty liên kết, gồm: Công ty TNHH BOT Vĩnh Tân 1 số tiền 387 tỷ đồng, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) 361 tỷ đồng và CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) 478 tỷ đồng.
Điện lực TKV được Bộ Công Thương thành lập ngày 21/10/2009, ban đầu là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Năm 2016, Điện lực TKV chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng. Từ thời điểm cổ phần hóa đến nay, Công ty chưa thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Cơ cấu cổ đông của Điện lực TKV gồm có Vinacomin nắm giữ gần 99,7% vốn, còn lại là các cá nhân trong và ngoài nước.
Kể từ khi cổ phần hoá, tình hình kinh doanh của Điện lực TKV đã khởi sắc và liên tục tăng trưởng từ đó tới nay. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Điện lực TKV gồm hai mảng chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện và sản xuất, phân phối than. Ngoài ra còn cung cấp dịch vụ khác như cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 5.
Hiện nay, DTK đang là một trong 5 nhà cung cấp điện lớn nhất Việt Nam, quản lý vận hành 6 nhà máy nhiệt điện (Na Dương 1, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1&2, Mạo Khê, Nông Sơn) và một nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 1.730 MW.
Hồi tháng 12/2020, 680 triệu cổ phiếu DTK niêm yết lên sàn HNX với giá tham chiếu 10.800 đồng/cổ phiếu trong phiên đầu tiên. Đến sáng 9/2/2022, cổ phiếu đang được giao dịch quanh 15.800 đồng/cổ phiếu.