Chân dung tập đoàn kín tiếng của Việt Nam vừa bắt tay doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy ô tô ở Thái Bình
Doanh nghiệp này đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô từ nhiều năm nay, là 1 trong 2 doanh nghiệp Việt thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam.
Geleximco xây nhà máy ô tô tại Thái Bình
Ngày 4/4, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh. Theo kế hoạch, hai bên sẽ hợp tác xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.
Nhà máy sản xuất xe ô tô này được xây dựng tại Thái Bình. Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành vào quý 1/2026. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy này dự kiến lên tới hơn 800 triệu USD, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover SUV OMODA E5 và mẫu xe việt dã công nghệ JAECOO 7 PHEV sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Trước đó, trong một bài chia sẻ năm 2022, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Tập đoàn Geleximco chi biết, nhà máy sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường, hướng đến sản xuất dòng xe ô tô nhiên liệu trong tương lai là xe điện và xe pin nhiên liệu.
Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu.
Chân dung "ông lớn" Geleximco
Geleximco là Tập đoàn kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch kiêm người sáng lập Vũ Văn Tiền.
Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993. Ban đầu tập đoàn được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Số vốn điều lệ ban đầu của công ty là 2,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi, tính đến hết năm 2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt 9.600 tỷ đồng.
Bắt đầu tư bất động sản, đến nay, Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành,với 4 lĩnh vực: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản; Thương mại – Dịch vụ.
Bất động sản là mảng hoạt động quan trọng nhất của Tập đoàn cũng là lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn nhất cho Geleximco. Một số dự án lớn của tập đoàn phải kể đến Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City, Khu đô thị Gelexia Riverside...
Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco là một trong số ít các Tập đoàn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tập đoàn đang xây dựng, vận hành hiệu quả một số nhà máy lớn như Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa (công suất 130.000 tấn/năm) và Nhà máy Giấy An Hòa (công suất 140.000 tấn/ năm) tại Sơn Dương, Tuyên Quang; Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tại Hạ Long, Quảng Ninh với công suất 600MW, sản xuất 4.1 GWh/ năm điện thương mại đạt công suất 3,7 tỷ KWh/năm, Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long tại Quảng Ninh (tổng công suất 2,3 triệu tấn/năm) và nhà máy sản xuất xi măng tại Bình Phước.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình.
Xuất nhập khẩu; dịch vụ khách sạn lưu trú cao cấp; dịch vụ cho thuê văn phòng hạng A; dịch vụ sân golf giải trí đẳng cấp của giới thượng lưu… là những hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực Thương mại dịch vụ của tập đoàn.
Thông tin từ website của Geleximco, hiện tại, Geleximco trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam - có doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ đồng; tổng tài sản 80.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.