"Ông trùm" sản xuất lốp ô tô Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 đi lùi, cổ phiếu tăng bốc 30% kể từ đầu năm
Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 228 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện trong năm 2023.
Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 24/4 tại TP. Đà Nẵng.
Năm 2024, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 228 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện trong năm 2023.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng kế hoạch kinh doanh thận trọng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều thách thức khi tình hình căng thẳng địa chính trị ở các nước vẫn phức tạp. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của công ty có những cơ hội và khó khăn, nhưng thách thức vẫn nhiều hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá khả thi, đẩy nhanh tiến độ dự án "Nhà máy sản xuất lốp công suất 4 triệu lốp PCR/năm và 1 triệu lốp TBR/năm"; tích cực làm việc với ngân hàng, khai thác nhiều nguồn vốn ưu đãi, tiết kiệm chi phí lãi vay, giảm chi phí tài chính để chuẩn bị nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư các dự án.
Ngoài ra, các tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029, bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029… vẫn chưa được công bố chi tiết.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu của cao su Đà Nẵng so với cùng kỳ năm 2022 suy giảm 403 tỷ đồng, ghi nhận đạt ở mức 4.495 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 60 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 246 tỷ đồng.
Theo Cao su Đà Nẵng, năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, giá dầu, giá vàng và tỷ giá đô la Mỹ liên tục tăng cao. Tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng Nga-Ukraina và xung đột Trung Đông ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương hàng hóa và thanh toán quốc tế.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công tác tiêu thụ xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển quốc tế tăng rất cao và thiểu container rỗng. Tại thị trường nội địa, tổng cầu sâm lốp giảm mạnh do vấn đề giải ngân đầu tư công rất hạn chế, các dự án đầu tư và thị trường bất động sản đóng băng.
Mặt khác, công ty cũng gặp áp lực cạnh tranh khi Việt Nam đã có 4 Nhà máy lốp TBR 100% vốn của Trung Quốc với công suất hơn 10 triệu lốp/năm và hàng trăm thương hiệu lốp nhập ngoại đang tiêu thụ.
Trong báo cáo mới đây, Vietcap cho rằng DRC cũng có khả năng cạnh tranh so với lốp Thái Lan tại thị trường Mỹ và điều này sẽ hỗ trợ sản lượng xuất khẩu lốp radial của DRC. Vào ngày 07/11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt từ Thái Lan. Quyết định sơ bộ của DOC dự kiến được công bố vào ngày 14/05/2024 và quyết định cuối cùng dự kiến được công bố vào ngày 28/07/2024.
Vietcap kỳ vọng các quyết định từ DOC sẽ hỗ trợ cho sản lượng xuất khẩu lốp radial của DRC sang Mỹ trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, Vietcap giả định giá bán lốp radial của DRC sẽ đi ngang YoY trong năm 2024 do năng lực định giá của DRC tại thị trường Mỹ thấp. DRC xuất khẩu lốp radial sang Mỹ dưới dạng sản phẩm OEM (phụ tùng gốc) thông qua các đại lý,điều này hạn chế khả năng tăng giá bán của công ty.
DRC đã có hơn 47 năm phát triển từ khi bắt đầu như một nhà máy đắp vỏ xe cho quân đội Mỹ. DRC hiện là nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam về lốp ô tô tải và ô tô khách, cũng như là nhà sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về lốp ô tô đặc chủng và chuyên dùng. Tại Việt Nam, DRC có quy mô 2.000 đại lý cấp 1 và cấp 2 tại 63 tỉnh thành, là đối tác của các doanh lớn như Ôtô Trường Hải, Huyndai,…